"Tôi đã có buổi phát biểu trước công chúng đầu tiên trong đời vào năm ngoái. Nhiều người bạn của 'Mi Fan' nói họ muốn nghe nhiều hơn về những câu chuyện của Xiaomi. Đây là lý do tôi ở đây hôm nay", Lei Jun, CEO của Xiaomi phát biểu trong sự kiện thường niên của hãng hôm 10/8.
Sau khi mở đầu sự kiện, kể về những biến cố đưa ông đến với Xiaomi và kỷ niệm về lần IPO thất bại, Lei Jun chia sẻ về hai lựa chọn và một mục tiêu của hãng trong tương lai.
Định vị thương hiệu cao cấp
CEO Xiaomi nói, trong nhiều năm, smartphone của hãng thường bị gắn mác "giá rẻ". Lei Jun nói ông khá thất vọng khi định vị thương hiệu của họ trong lòng người dùng lại thấp như vậy. "Thế hệ di động đầu tiên của Xiaomi là smartphone cao cấp nhất lúc đó. Mãi về sau, các sản phẩm Redmi mới được sản xuất để phục vụ đại chúng. Sự thành công của smartphone giá rẻ vô tình làm giảm thương hiệu của Xiaomi rất nhiều. Thêm vào đó, Xiaomi không có bản sắc riêng nên bị nhiều người hiểu nhầm chúng tôi chỉ là sản phẩm cấp thấp", Lei Jun thừa nhận.
Đến 2019, Xiaomi bắt đầu lại con đường cao cấp với Mi 10. Lei Jun cho biết khi đó, để làm tốt sản phẩm cao cấp, Xiaomi đã cẩn thận trau chuốt từng chi tiết bằng mọi giá. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành nghiên cứu và phát triển, mọi người đều khá "choáng váng" vì chi phí cho model này lên đến trên 4.000 nhân dân tệ (14 triệu đồng). Trước đó, di động của họ chưa từng đắt hơn 3.000 nhân dân tệ (10,5 triệu đồng). "Chúng tôi lo lắng, liệu mình có bán nổi 2 triệu chiếc. Suốt thời gian đó, chúng tôi họp xuyên đêm và kết luận chỉ còn một cách duy nhất là đặt niềm tin vào người dùng. Chỉ cần 2% người dân Trung Quốc tin chúng tôi, chúng tôi sẽ có cơ hội", CEO Xiaomi nói.
Tháng 1/2020, khi Xiaomi chuẩn bị giới thiệu smartphone cao cấp của mình, dịch bệnh ập đến, phá vỡ mọi kế hoạch. Họ quyết định tổ chức sự kiện trực tuyến, đây là lần đầu tiên Xiaomi ra mắt một smartphone với sân khấu không khán giả. Đáp lại kỳ vọng của Lei Jun, hiện tại Xiaomi đã bán được 5,7 triệu chiếc Mi 10. "Con đường cao cấp của Xiaomi chỉ mới bắt đầu và chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư bằng mọi giá. Chỉ cần vững tin, Xiaomi nhất định thành công".
Lựa chọn không khuất phục Mỹ
Trước đó, ngày 15/1, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa Xiaomi vào "danh sách đen". Đây là trở ngại lớn với Xiaomi trong bối cảnh họ đang muốn mở rộng hoạt động kinh doanh ra phạm vi toàn cầu. Lei Jun cho biết sự cố này đã khiến cổ phiếu của công ty sụt giảm mạnh.
"Tôi đã khá bối rối, không hiểu làm sao một doanh nghiệp như Xiaomi lại 'liên quan đến quân đội'. Mặc dù áp lực rất lớn, chúng tôi rất tự tin. Công ty niêm yết tại Hong Kong và luôn có tính minh bạch cao. Chúng tôi tin chắc mình không phải một công ty quân đội", Lei Jun nói.
Sau khi đưa ra các phản hồi về cáo buộc của Mỹ, Xiaomi kiên quyết phản đối các biện pháp trừng phạt mà Bộ quốc phòng nước này đưa ra. Lei Jun đứng trước hai lựa chọn. Một là thừa nhận Xiaomi liên quan đến quân đội Trung Quốc. Hai là kiện chính phủ Mỹ. Lựa chọn nào cũng ảnh hưởng đến tính sống còn của doanh nghiệp. Thời điểm đó, không công ty nào trong "danh sách đen" khiếu kiện thành công. Xiaomi cũng lo lắng họ sẽ bị trả đũa, một "Huawei thứ hai" là kết cục hoàn toàn có thể xảy ra với công ty non trẻ này.
Cuối cùng công ty quyết định đối đầu trực diện, kiện chính phủ Mỹ. Lei Jun nói Xiaomi chỉ đang cố gắng bảo vệ quyền và lợi ích của mình một cách ngay thẳng. Kết quả, Xiaomi đã thắng. Ngày 25/5 Mỹ đồng ý rút hãng khỏi danh sách cấm vận.
"3 năm sau Xiaomi sẽ là số một"
Mục tiêu đưa Xiaomi trở thành thương hiệu số một toàn cầu từng được Lei Jun nhắc đến năm 2014 tại Hội nghị Internet thế giới lần thứ nhất. Xiaomi khi này mới gia nhập thị trường di động được ba năm, nhưng đã giữ vị trí số một tại Trung Quốc và thứ ba thế giới.
Khi được hỏi chiến lược dài hạn của Xiaomi là gì, Lei Jun nói: "Xiaomi sẽ trở thành thương hiệu số một thế giới trong 5 đến 10 năm nữa". Chủ tịch cấp cao của Apple - Bruce Seville - ngồi cạnh đáp lại ngắn gọn: "Nói thì dễ, làm thì khó hơn nhiều". Câu nói của Seville khiến cả hội trường cười ồ, máy quay cũng ghi lại khoảnh khắc không vui đó của CEO Xiaomi.
7 năm trôi qua, quý II vừa qua, Xiaomi vượt Apple, trở thành thương hiệu xếp thứ hai thế giới. Số liệu mới nhất từ Canalys cho thấy, Apple đang chiếm 14% thị phần, trong khi Xiaomi giữ 17%, thua thương hiệu dẫn đầu - Samsung - 2% thị phần. Không chỉ vậy, thị phần của Xiaomi tại thị trường châu Âu cũng vượt 25% trong quý II.
Lei Jun cho biết đây là lần đầu tiên trong lịch sử, điện thoại di động của một công ty Trung Quốc giành được vị trí đầu tiên tại một thị trường phát triển như châu Âu. Đây là tín hiệu giúp Xiaomi thêm tự tin để vươn lên vị trí số một thế giới.
Lei Jun cho biết trong 11 năm kể từ khi Xiaomi bắt đầu kinh doanh, ông đã nhiều lần nghĩ về thất bại và hoài nghi rằng mình có theo kịp sự phát triển của công ty hay không. "Nhưng bất cứ khi nào gặp khó khăn, tôi sẽ đứng lên mà không do dự. Tôi không phải thiên tài, cũng không là công dân kiểu mẫu, càng không phải một 'tù trưởng chiến tranh'. Tôi chỉ là một kỹ sư bình thường đang theo đuổi ước mơ và làm những gì mình thích", Lei Jun nói những câu cuối trong bài phát biểu thường niên của mình.
Khương Nha (theo Sina)