Theo dữ liệu từ Layoffs.fyi, tính riêng trong tháng 11, có hơn 50.000 nhân viên công nghệ mất việc. Bất kỳ ai rơi vào cảnh thất nghiệp cuối năm đều khó khăn, nhưng lao động nước ngoài đến Mỹ bằng visa H-1B sẽ vất vả hơn cả. Các công ty không quy định tỷ lệ cắt giảm riêng đối với nhân viên ngoại quốc. Nhưng trên LinkedIn và các mạng xã hội việc làm, từ khóa "sa thải H-1B" trở thành chủ đề thu hút hàng nghìn người tham gia. Nhiều người lo lắng việc sẽ bị trục xuất khỏi Mỹ, số khác phải tranh giành lượng công việc ít ỏi ở để ở lại.
H-1B là visa được cấp cho du học sinh, chuyên gia có tay nghề cao và gia đình đến Mỹ để sinh sống. Trong nhiều năm, Thung lũng Silicon dựa vào chính sách visa này để thu hút hàng chục nghìn tài năng khắp thế giới. Nhưng nếu không may mất việc, những người này phải nhanh chóng tìm việc mới trong vòng 60-90 ngày hoặc bị trục xuất. Quy định đang tạo thêm một gánh nặng lên vai hàng chục nghìn kỹ sư nước ngoài nằm trong diện sa thải.
Luật sư Sophie Alcorn, phụ trách thị thực cho kỹ sư công nghệ tại Thung lũng Silicon, cho biết: "Lợi thế và may mắn của Mỹ là thu hút được nguồn nhân tài khắp thế giới. Nhưng giờ chính nhóm kỹ sư này đang phải vật lộn để chống lại quy định 60 ngày. Nếu không có việc mới, họ và gia đình phải rời đi. Đây là giai đoạn căng thẳng".
Để bảo vệ nhóm kỹ sư nước ngoài trong diện cắt giảm, Amazon cho họ 60 ngày để tìm một vị trí mới trong công ty trước khi bị đề nghị thôi việc. Trong năm tài chính 2021, Amazon là công ty có nhiều visa H-1B được chấp thuận nhất với 6.182 trường hợp. Các công ty trong top đầu khác còn có Google, Microsoft, Meta, IBM...
Một cựu nhân viên Amazon bị sa thải trong tháng 11 cho biết, dù được cho 60 ngày để tìm vị trí mới, quản lý khuyên anh nên nộp hồ sơ ở nơi khác. Amazon đang cắt giảm mạnh nên cơ hội ở lại rất thấp.
Sau thông báo cho 11.000 nhân sự thôi việc, Meta cho biết người vướng thị thực H-1B sẽ được "hỗ trợ tận tâm" bởi đội ngũ pháp lý. Nhưng Bloomberg dẫn lời các cựu nhân viên công ty rằng việc hỗ trợ không hữu ích. Mọi việc trở nên tồi tệ hơn khi hàng loạt công ty lớn đồng loạt đóng băng tuyển dụng và sa thải quy mô lớn.
Sophie Alcorn, người sáng lập Alcorn, nói với Sfchronicle rằng nhiều tài năng công nghệ đến Mỹ được 5-10 năm theo diện visa H-1B, có nhà riêng, con cái là công dân Mỹ đang theo học trường công lập địa phương. Khi thất nghiệp, cả gia đình họ bị đặt vào tình trạng nguy hiểm, không chỉ là công việc và đồng lương mà còn là vấn đề an sinh xã hội.
Theo CNBC, so với lao động bản địa, kỹ sư ngoại quốc vốn đã phải trải qua một năm vất vả khi lạm phát gia tăng và cắt giảm việc làm liên tục diễn ra. Trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã cởi mở hơn với nhóm lao động nhập cư khi bãi bỏ lệnh cấm của cựu tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên trong tình thế khó khăn hiện tại, rất khó cho những người này trông mong vào chính sách hỗ trợ của chính phủ.
Một kỹ sư giấu tên vừa bị công ty giải trình gene Illumina sa thải nói với CNBC rằng anh sẵn sàng làm việc cho công ty nào hỗ trợ visa. Trong trường hợp không tìm được, anh sẽ đăng ký đi học để kéo dài thời gian ở Mỹ. Tuy nhiên, việc vay vốn sinh viên cũng là thách thức lớn. Người này kể, ước mơ lớn nhất của anh từ thời sinh viên là gia nhập Illumina, định cư ở Mỹ và mua một ngôi nhà.
"Giờ đây, ngay cả việc làm sao có được một công việc cũng là giấc mơ lớn. Tôi đang tìm mọi cách để ở lại Mỹ mà không phải chìm sâu vào nợ nần. Chỉ trong vài tháng, mọi chuyện diễn ra quá đột ngột", anh nói.
Khương Nha tổng hợp