Theo Ernst, smartphone chứa các tin nhắn, email, thông tin tài khoản ngân hàng cùng nhiều dữ liệu nhạy cảm khác, ví dụ dữ liệu địa điểm GPS. Ông cho biết việc khôi phục cài đặt gốc chỉ là một trong ba bước để bảo vệ dữ liệu toàn diện trước khi bán lại thiết bị cho ai đó. Bởi "factory reset' chỉ đơn giản là xoá đường dẫn tới các thư mục chứa các dữ liệu này trên thiết bị thay vì tiêu huỷ toàn bộ.
Người này cho biết: "Nó giống như quả bom nổ chậm. Tôi thấy bất ngờ khi ít người quan tâm đến vấn đề này. Thiết bị khi bán lại có thể rơi vào tay của kẻ xấu. Bất kỳ ai cũng có thể sử dụng các công cụ mã nguồn mở miễn phí để thâm nhập vào thiết bị, tìm các dữ liệu đã bị ẩn đường dẫn". Tuy vậy, không phải smartphone nào cũng gặp trường hợp này bởi nó còn phụ thuộc vào nhà sản xuất, hệ điều hành và nhà mạng phân phối.
Để xoá dữ liệu hoàn toàn trên điện thoại, Russ Ernst khuyến nghị người dùng thực hiện ba bước: xoá dữ liệu, xác thực dữ liệu đã bị xoá và nhận báo cáo về việc thao tác thành công. Khi đưa điện thoại cho các dịch vụ mua lại, khách hàng cần hỏi ra liệu các công ty, cửa hàng mua lại có thực hiện đúng các thao tác này trước khi giao máy cho người dùng khác. "Làm thế nào để tôi tin rằng điện thoại đã hoàn toàn bị xoá dữ liệu?", "Anh có xác thực được việc dữ liệu cũ đã hoàn toàn bị xoá không?" là những câu người dùng nên hỏi các cửa hàng, công ty mua lại thiết bị của mình.
Chuyên gia dự đoán khi công nghệ mạng 5G trở nên thịnh hành, giá smartphone sẽ ngày một cao và người dùng sẽ theo xu hướng bán điện thoại cũ để có tiền cập nhật lên các model cao cấp hơn.
Theo Ernst, một số người lưỡng lự khi giao thiết bị của mình cho các bên mua lại vì lo ngại mất an toàn dữ liệu cá nhân. Tuy vậy, ông cho biết các dịch vụ mua lại máy cũ của những hãng lớn như Apple vẫn sẽ tăng như dự đoán bởi người dùng có niềm tin cao đối với chính sách bảo mật của hãng.
Đức Trí (theo Business Insider)