Từ lâu, giới công nghệ đã biết qua các tin đồn rằng Apple sẽ trình làng bộ đôi iPhone mới và một mẫu điện thoại đặc biệt để kỷ niệm 10 năm hãng gia nhập thị trường smartphone. Tuy nhiên, việc gọi tên sản phẩm thứ ba này là iPhone X (iPhone 10) có nghĩa Apple đã công bố tới hai thế hệ điện thoại trong cùng một sự kiện.
Động thái lạ này đã được lý giải qua cuộc phỏng vấn với Mashable: iPhone X đáng lẽ được tung ra năm 2018 nhưng rồi Apple đã quyết định cho ra đời sản phẩm sớm.
Tùy thuộc vào người mà bạn trò chuyện tại Apple, bạn sẽ nhận được câu trả lời rằng dự án iPhone X được khởi động từ ba năm trước hay từ năm 2007.
2014 là năm Apple quyết định đưa Neural Engine vào trong bộ vi xử lý mà sau này trở thành A11 Bionic CPU. Neural Engine kích hoạt những tính năng mới trên thiết bị như hỗ trợ thực tế ảo tăng cường (AR), nhận diện khuôn mặt Face ID, Animoji... nhờ khả năng xử lý 600 tỷ phép tính mỗi giây.
Tuy nhiên, mục tiêu xây dựng điện thoại toàn màn hình của Apple đã hình thành từ một thập kỷ trước. "Đó là giấc mơ từ khi chúng tôi phát triển iPhone thế hệ đầu. Ngay từ ngày đầu, chúng tôi đã muốn có một chiếc điện thoại với màn hình sát viền", Phil Schiller, Phó chủ tịch Apple, cho hay.
Việc Apple muốn cho loại bỏ hoàn toàn các nút bấm ở mặt trước điện thoại cũng như phần viền trên đầu và cuối màn hình không phải là điều bí mật. Họ đã lên lộ trình trong nhiều năm, dự tính khi nào các công nghệ cần thiết đủ sẵn sàng để cho ra đời iPhone với màn hình không viền.
Theo lộ trình đó, Apple sẽ tung ra iPhone X trong lễ công bố năm 2018. "Nhưng với sự nỗ lực và quyết đoán, chúng tôi đã tung ra được sản phẩm trong năm nay", Dan Riccio, Phó chủ tịch cấp cao về kỹ thuật phần cứng của Apple, cho biết.
Lựa chọn này bỗng nhiên khiến iPhone 8 - đáng lẽ là tâm điểm của năm - lại trở thành sản phẩm bước đệm, giúp làm nóng thị trường trước khi ngôi sao thực sự của làng smartphone xuất hiện.
Khi Apple quyết định bỏ nút Home và cảm biến Touch ID để chuyển sang nhận diện khuôn mặt Face ID, Riccio cho hay họ hoàn toàn tập trung vào tính năng mới. "Chúng tôi chẳng có thời gian xem xét đến các phương án như đưa cảm biến vân tay ra mặt sau máy, đặt dưới màn hình hay để ở cạnh bên", ông nói.
"Tôi nghe một số tin đồn rằng sau khi không thể đặt cảm biến vân tay Touch ID lên bất cứ vị trí nào của iPhone, Apple mới quyết định sử dụng cảm biến nhận dạng khuôn mặt Face ID vào giờ chót. Thực tế chúng tôi đã phát triển khả năng nhận dạng khuôn mặt ngay từ đầu, thử nghiệm và thấy rằng nó là giải pháp hoàn hảo thay thế Touch ID", ông giải thích thêm.
Trong khi đó, theo Phil Schiller, quyết định bỏ nút Home cũng không phải điều dễ dàng bởi đây là đặc điểm đã trở nên quen thuộc với người dùng, thậm chí là biểu tượng của iPhone. "Chúng tôi không thay thế nút Home vì hoạt động kém, mà vì chúng tôi muốn làm một điều gì đó khác đi", ông nhấn mạnh.
Mỗi công nghệ thay thế luôn tồn tại những thách thức riêng. "Tôi nghĩ, thách thức khó nhằn nhất chính là việc bỏ Touch ID. Cực kỳ khó", Riccio thừa nhận.
Apple hài lòng rằng công nghệ sinh trắc học Face ID của họ là giải pháp bảo mật mang tính tự nhiên hơn. "Khi muốn nhận diện ai đó trên phố, bạn chẳng bao giờ lại kiểm tra vân tay của họ, thực tế bạn sẽ nhìn vào mắt họ để xác định đó có phải người quen hay không", Apple nhấn mạnh.
Năm 2013, hãng thâu tóm PrimeSense, công ty nổi tiếng về xây dựng công nghệ theo dõi chuyển động 3D trong thiết bị Microsoft Kinect. Ban đầu, Apple dùng công nghệ này để phát triển những tính năng như Animoji (emoji động). Nhưng nhóm của Riccio muốn thử xem điều gì xảy ra khi kết hợp công nghệ cảm biến chiều sâu với camera hồng ngoại để nhận diện khuôn mặt. Kết quả khả quan hơn nhiều so với kỳ vọng của họ.
Camera TrueDepth nằm ở mặt trước iPhone để nhận diện khuôn mặt, khiến một vùng đen nhỏ tồn tại phía trên màn hình của iPhone X, mà giới công nghệ đặt cho biệt danh là "tai thỏ".
Do không thể xóa sổ cảm biến hay camera, Samsung chọn giải pháp vẫn giữ lại nguyên một dải viền đen phía trên và dưới Galaxy Note8 và S8. Còn Schiller lại bảo vệ thiết kế tai thỏ, tức thu hẹp vùng đen ở mức độ nhỏ nhất có thể.
"Khi sử dụng, bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy dễ chịu, không thấy nó bất thường hay khác biệt so với tổng thể. Nó ở đó như là một lẽ đương nhiên phải vậy", ông nói.
Trong nhiều bài đánh giá về iPhone X tuần này, các chuyên gia cũng thừa nhận người dùng sẽ sớm quên đi sự tồn tại của tai thỏ. Nó không lạc lõng mà ăn nhập với toàn bộ giao diện phía trước.
Về màn hình OLED, Apple cũng nghiên cứu và tìm hiểu công nghệ này nhiều năm, nhưng không có nghĩa họ có thể cứ thế mà áp dụng trên iPhone X.
"Để tạo thiết kế không viền, bạn cần dùng màn hình OLED linh hoạt (flexible)", Riccio giải thích. iPhone X sử dụng màn hình của Samsung, nhưng không đơn giản nhận lô hàng về và lắp ráp. Apple phải trực tiếp làm việc với hãng Hàn Quốc để tạo ra công nghệ riêng và xây dựng phần mềm để khắc phục những hạn chế của OLED.
Trước đó, hồi đầu tháng 10, Jonathan Ive, Phó chủ tịch phụ trách thiết kế của Apple, cho biết họ đã rất nhiều lần thất bại mới có thể cho ra đời được iPhone X. "99% trong khoảng thời gian đó, mọi thử nghiệm đều thất bại", ông chia sẻ trong lần xuất hiện hiếm hoi tại sự kiện TechFest ở New York (Mỹ).
Thay đổi, đồng nghĩa với mạo hiểm và rủi ro. Schiller cho hay Apple nhận thức được những khó khăn phải đương đầu, nhưng đã đến lúc cần đón nhận và học hỏi những cái mới thay vì mắc kẹt trên con đường họ đã đi được một thập kỷ.