Khi ở nhà, nguồn giải trí được lựa chọn nhiều nhất là Internet. Khắp nơi trên thế giới, người dùng than phiền vì kết nối mạng chậm, không ổn định, khó tải video...
Ookla, công ty phát triển công cụ Speedtest đo tốc độ Internet, thống kê những quốc gia bị ảnh hưởng nhất ở châu Á là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật và Malaysia, còn ở châu Âu là Thuỵ Sĩ, Hà Lan, Tây Ban Nha và Đức.
Trong khi đó, theo bảng xếp hạng tháng 2 của Speedtest, tốc độ download qua kết nối Internet ở Việt Nam xếp thứ 65 với mức 42,8 Mb/giây. Singapore đứng đầu thế giới (203,68 Mb/giây) còn Thái Lan đứng thứ 9 (136,19 Mb/giây). Với tốc độ thấp hơn cả mức trung bình của thế giới là 75,41 Mb/giây, tình trạng mạng chậm, thiếu ổn định diễn ra thường xuyên tại Việt Nam. Nhiều người than phiền không thể xem video hay chơi game, nhất là vào buổi tối.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra trên các mạng di động. Tốc độ kết nối 3G/4G tại nhiều nước đang giảm mạnh. Bên cạnh nhu cầu làm việc từ xa, gọi video và học trực tuyến, người dân còn dành thời gian cho các hoạt động giải trí như chơi game online, xem phim, livestream...
Các nhà nghiên cứu Australia đã tạo ra bản đồ về áp lực Internet toàn cầu, cho thấy tác động của Covid-19 lên hạ tầng Internet. "Nhiều người ở nhà hơn có nghĩa nhiều người lên mạng hơn, chiếm dụng băng thông hơn', giáo sư Paul Raschky tại Đại học Monash (Melbourne) nhận định.
Netflix và YouTube đã phải thiết lập chất lượng phát video mặc định ở mức 480p (SD) ở châu Âu để giảm gánh nặng lên hệ thống mạng. Trong khi đó, chính phủ một số nước áp dụng các biện pháp khuyến khích người dân ở nhà, như Malaysia tuyên bố cung cấp Internet tại nhà miễn phí từ 1/4, đồng thời hỗ trợ 92 triệu USD để cải thiện chất lượng mạng. Tại Ba Lan, để tránh cho giới trẻ cảm thấy buồn chán và tụ tập ngoài đường, chính phủ nước này quyết định tạo máy chủ chơi game Minecraft miễn phí dành riêng cho học sinh từ tiểu học đến Trung học.