Năm 2005, một số công ty như VinaMobi, Postef hay Thuận Phát đã đầu tư hàng triệu USD để xây dựng nhà máy, nhập máy móc, linh kiện từ nước ngoài, đưa nhân lực đi đào tạo... nhằm tung ra những lô hàng điện thoại di động giá rẻ. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, những kế hoạch trên đã bị chìm vào quên lãng.
Bước sang giai đoạn smartphone nở rộ, người tiêu dùng trong nước lại chứng kiến sự xuất hiện của một loạt công ty sản xuất điện thoại "thương hiệu Việt" như FPT, HKPhone, Q-Mobile... Những sản phẩm này phần nào đáp ứng được nhu cầu sử dụng smartphone giá rẻ và tầm trung của người dùng trong nước, nhưng vẫn chưa chiếm được thị phần lớn.
Đầu năm 2015, một số thương hiệu điện thoại Việt đã bất ngờ đổi tên. Vào tháng 4, HKPhone thực hiện tái cơ cấu, chuyển thành Rovi với mục tiêu không chỉ bán điện thoại mà cả máy tính bảng, đồng hồ thông minh... Đến tháng 7, tiếp tục là Q-mobile đổi sang Q (phát âm theo chữ "cute" trong tiếng Anh) nhằm xây dựng một thương hiệu smartphone có đặc trưng riêng và giàu cảm xúc hơn.
Trong cuộc chơi này còn có sự tham gia của các nhà mạng lớn ở Việt Nam. Cả VNPT Technology và Viettel đều đã xây dựng nhà máy và tung ra thị trường các mẫu smartphone "Made in Vietnam" thuộc phân khúc giá rẻ, hướng đến nhóm khách hàng như học sinh sinh viên, công nhân, nông dân...
Gương mặt mới nhất của thị trường điện thoại Việt là Bkav được công bố ngày 26/5 tạo cơn sốt về mặt thương hiệu nhưng lại chưa thành công về doanh số do còn một số vướng mắc về cách thức phân phối, cập nhật phần mềm, xử lý sự cố phần cứng, mức giá...
Góp mặt đủ trong mọi phân khúc từ giá rẻ, tầm trung cho đến cao cấp, nhưng gần như vẫn chưa có một mẫu điện thoại Việt nào đủ sức cạnh tranh với các hãng nước ngoài, thậm chí cả nước láng giềng Trung Quốc.
Thống kê mới nhất của Opera Mediaworks cho thấy tiểu vùng P4 (Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Philippine) có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về số người dùng điện thoại thông minh, lên tới 545% từ năm 2013. Tuy nhiên, theo Strategy Analytics, có đến hơn 50% số smartphone được tiêu thụ ở Việt Nam trong quý I/2015 là các sản phẩm của Apple và Samsung, trong khi doanh số của các điện thoại Việt vẫn ở mức khiêm tốn.
Chưa kể, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, nhiều nhà sản xuất đang lao đao vì sự bành trướng của các tên tuổi đến từ Trung Quốc như Xiaomi, Oppo. HTC, Microsoft, Lenovo... buộc phải sa thải hàng nghìn nhân công để phù hợp với tình hình mới, đến mức ông Yang Yuanqin, CEO Lenovo, gọi thị trường smartphone là "một cuộc chơi phi lý".
Chỉ tính riêng số công ty tham gia sản xuất điện thoại đã lên tới hơn 1.300 nhãn hiệu, tăng gấp ba so với năm 2012.
Vậy làm thế nào để các thương hiệu Việt tìm được chỗ đứng trên thị trường, tránh rơi vào tính cảnh "sớm nở tối tàn"?
Chủ đề "Hướng đi nào cho điện thoại thương hiệu Việt" sẽ mở từ hôm nay (22/8) tới hết ngày 22/9 để bạn đọc thể hiện quan điểm của mình về các thương hiệu Việt đang có trên thị trường. Những bài viết hay sẽ được đăng trong mục Blog công nghệ. Tác giả có bài viết đạt số lượt xem (pageview) cao nhất sẽ được tặng một điện thoại HTC One Mini 2. Tác giả có bài viết đạt số lượt Like cao nhất sẽ được tặng một sạc pin dự phòng của Moigus dung lượng 7.000 mAh.
Bài viết xin gửi về e-mail phuongthuy@vnexpress.net với tiêu đề: Hướng đi nào cho điện thoại thương hiệu Việt.
Số Hóa