Mục tiêu của Huawei là tạo ra một hệ sinh thái mở bao gồm các thiết bị và ứng dụng được liên kết chặt chẽ với nhau, như Huawei Mobile Service, các thiết bị của Huawei, mạng 5G và các ứng dụng có tích hợp AI. Hệ sinh thái này được phát triển dựa trên chiến lược 1+8+N. Trong đó, 1 người dùng, được sự hỗ trợ của 8 thiết bị phần cứng tạo thành một môi trường IoT với N dịch vụ liên kết không giới hạn.
Điểm mới của các ứng dụng sẽ được phát triển trên Huawei Mobile Service là nền tảng Quick App, cho phép người dùng sử dụng trực tiếp các ứng dụng của Huawei mà không cần tải về để tăng dung lượng bộ nhớ máy và không phải phụ thuộc nhiều vào phần cứng của thiết bị. Hiện tại đã có 2.500 nhà phát triển tham gia vào làm phần mềm cho nền tảng này của hãng.
Huawei đã đưa ra nhiều công cụ, như HMS Core, HMS Capabilities, HMS Connect... trong tổ hợp Chipset-Device-Cloud giúp các nhà phát triển phần mềm ngoài việc tạo ra ứng dụng từ API hay SDK có sẵn, còn có thể thử nghiệm, chạy quảng cáo và kiếm tiền từ ứng dụng của mình dễ dàng. Theo hãng, các nhà phát triển chỉ cần 3 ngày để hoàn thành một ứng dụng với các công cụ trên.
Hiện tại, Huawei có 24 HMS Core Kit, 55 dịch vụ và 997 API, bao gồm Map Kit, Location Kit Awareness Kit, Scankit, Quick App và những nền tảng có sẵn của hãng về VR, AR, AI và camera để cung cấp cho các nhà phát triển phần mềm để phát triển các ứng dụng đa dạng hơn.
Tính đến quý III/2019, Huawei Mobile Service đã có tại 170 quốc gia với hơn 570 triệu người dùng, hơn 180 tỷ lượt tải ứng dụng từ App Gallery, giúp cho chợ ứng dụng này đứng thứ 3 trong các chợ ứng dụng sau Google Play và App Store. Chỉ một năm sau khi ra mắt toàn cầu, đã có hơn 1 triệu nhà phát triển đăng ký tham gia vào chương trình HMS với 50 nghìn ứng dụng được tích hợp vào HMS Core.
Cũng trong năm 2019, Huawei đã giao được 200 triệu smartphone, tăng 214% so với cùng kỳ năm ngoái, giúp hãng trở thành nhà cung cấp smartphone lớn thứ 2 thế giới. Bên cạnh đó, các mảng như thiết bị đeo hay thiết bị audio cũng tăng lần lượt là 272% và 233%.
Huy Đức