Cách đây vài năm, một số trường học ở Trung Quốc đã áp dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để theo dõi mức độ chú ý của học sinh. Tuy nhiên theo báo cáo mới từ SupChina, một số nơi còn tiếp tục cải tiến phương pháp theo dõi học sinh trong các lớp học bằng thiết bị giống chiếc băng đô.
Thử nghiệm đang được thực hiện tại một trường tiểu học ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Thiết bị có tên Focus 1, được sản xuất bởi BrainCo Inc., một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Boston (Mỹ). Công ty này đã làm việc với trung tâm nghiên cứu khoa học về não của đại học Harvard để phát triển loại băng đô này.
Các băng đô sử dụng cảm biến điện não đồ (EEG) để đo mức độ chú ý. Video sản phẩm cho thấy giáo viên có thể theo dõi mức độ chú ý của học sinh thông qua bảng điều khiển và biết học sinh nào đang mất tập trung. Họ cũng có thể kiểm tra các chỉ số để xem ai đó có trong trạng thái uể oải không.
Trong khi mục đích của BrainCo là giúp giáo viên chú ý đến học sinh, toàn bộ việc thiết lập trong lớp lại tạo ra cảm giác chúng bị hạn chế. Trong quá trình triển khai, giáo viên xây dựng danh sách ba học sinh chú ý cũng như sao nhãng nhất trong lớp. Điều đó vô hình có thể tăng thêm áp lực khiến những đứa trẻ phải chú ý hơn trong giờ học.
Đây không phải là trường học ở Trung Quốc đầu tiên thử nghiệm các thiết bị này. Vào tháng 2, một đại học ở thành phố Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang cũng đang thử nghiệm chúng. 10.000 sinh viên Trung Quốc trong độ tuổi từ 17 đến 21 đã đeo băng đô trong ba tuần của tháng 1. Công ty cho biết có kế hoạch mở rộng thử nghiệm sang Mỹ, Mexico, Tây Ban Nha và Brazil.
BrainCo cũng sản xuất một video quảng cáo trên YouTube, với mô tả giống một bộ phim khoa học viễn tưởng. Mặc dù công ty cho biết điểm số của các sinh viên được cải thiện trong thử nghiệm ở thành phố Kim Hoa, không có nghiên cứu nào được công bố trên các tạp chí khoa học để chứng minh cho tuyên bố này. Do vậy cho đến nay, thiết bị vẫn chỉ được xem như một sản phẩm công nghệ giúp kiểm soát việc mất tập trung.
Bên cạnh các luồng thông tin ủng hộ, một làn sóng giận dữ và phản đối cũng xuất hiện khi những bức ảnh được lan truyền trên mạng Internet ở Trung Quốc. Đặc biệt các hình ảnh này xuất hiện ngay sau khi có thông tin lan truyền về việc những công nhân quét dọn đường phố ở Nam Kinh bị buộc phải đeo vòng tay kỹ thuật số để theo dõi hiệu suất làm việc.
"Tôi thấy không khác gì một cảnh trong phim kinh dị", một người dùng bình luận.
"Tôi đề nghị thêm một tính năng giật điện, để có thể đánh thức học sinh buồn ngủ trong lớp", một người khác bông đùa.
"Nhìn thấy điều này làm tôi buồn và xúc động. Tôi có hai người bạn thân từng làm việc tại trụ sở của công ty này ở Mỹ. Theo họ, môi trường làm việc rất tuyệt vời và có rất nhiều người tài năng trong công ty. Ý tưởng đằng sau các sản phẩm của họ không đặc biệt xấu, nhưng bạn bè của tôi đã quyết định bỏ việc vì cảm thấy các sản phẩm đã được sử dụng một cách phi đạo đức, phản bội lại ý định ban đầu của họ khi gia nhập công ty", một thành viên có tên Beeee trên Weibo viết.
"Những đứa trẻ này đã làm gì sai để phải chấp nhận cuộc sống bị theo dõi liên tục thế này? Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể thấy khó khăn khi đeo vòng vào mắt cá chân cho những kẻ ấu dâm nhưng thật dễ dàng để đeo băng đô lên đầu những đứa trẻ", một phụ nữ có nickname Melody_f_f bình luận.
"Tôi không thấy nét hạnh phúc trên khuôn mặt của chúng. Đó là con người, không phải robot", một bình luận đầy bức xúc khác. "Tôi tự hỏi làm thế nào những bậc cha mẹ đồng ý cho con cái họ đeo lên một thứ như vậy. Bạn có mặc đồ giống người khác ở nơi làm việc không? Nếu bạn phản đối ý tưởng đó, tại sao lại ép con mình đeo cái đó?".