Yu, chuyên vẽ tranh minh họa cho các công ty game, cho biết để hoàn thành một ấn phẩm quảng cáo (poster), cô dành cả tuần phác thảo ý tưởng, thêm chi tiết, sửa màu sắc, bố cục. Trung bình mỗi poster như vậy được trả 5.000 nhân dân tệ. Tuy nhiên, từ tháng 2, đơn đặt hàng ngày một giảm đi khi các công ty game lớn ở Trung Quốc bắt đầu trang bị AI vẽ tranh thay họa sĩ. Các công cụ trí tuệ nhân tạo có thể sáng tác những poster chất lượng chỉ trong vài giây.
Amber Yu thậm chí còn nhận được vài hợp đồng với nhiệm vụ sửa lỗi ánh sáng, bộ phận cơ thể nhân vật bị lệch trong tác phẩm của AI. Thu nhập chỉ bằng 1/10 số tiền cô kiếm được trước đây.
Theo Rest of World, sự bùng nổ của AI vẽ tranh như Dall-E, Midjourney, Stable Diffusion khiến các studio nhỏ lẫn công ty lớn như Tencent thay đổi góc nhìn về vai trò của họa sĩ vẽ minh họa. Vài tháng qua, ngành game Trung Quốc bắt đầu dùng siêu AI để thiết kế, tạo nhân vật game, ảnh quảng cáo cho các chiến dịch truyền thông.
Sự trỗi dậy của AI vẽ tranh khiến cộng đồng nghệ thuật game ở Trung Quốc lo lắng. "Tốc độ phát triển của AI đang diễn ra ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi", Xu Yingying, họa sĩ tại một studio game ở Trùng Khánh, nói. Từ đầu năm đến nay, studio của Yingying đã sa thải 5 trong số 15 họa sĩ, một trong những lý do là AI đã thay họ làm công việc sáng tạo.
Những năm qua, các hãng lớn trong ngành game như Tencent, NetEase đã tìm cách cắt giảm chi phí nhân sự, thay thế lao động bằng AI. Tháng trước, NetEase ra mắt một game phiêu lưu hành động, cho phép người chơi tạo giao diện nhân vật bằng AI do công ty phát triển. Họ cũng phát triển AI tạo giọng nói cho nhân vật, sau một cuộc tranh chấp về bản quyền với một diễn viên lồng tiếng.
"Mục tiêu của chúng tôi là phát triển công cụ tốt hơn để đội ngũ thiết kế nghệ thuật và họa sĩ minh họa có thể tạo nội dung nhanh hơn, hiệu quả hơn trong quá trình làm game", đại diện NetEase nói.
Một số họa sĩ nói tác phẩm do AI tạo ra đã điêu luyện đến mức nhiều người phải bỏ việc. "Cần câu cơm của chúng tôi đột nhiên bị cướp. AI đang thay thế bằng những bức vẽ ấn tượng trong thời gian ngắn", Wang Yu, họa sĩ tại một công ty game ở Quảng Đông, cho hay. Anh cũng không thể cưỡng lại sức mạnh của trí tuệ nhân tạo và đang dùng nhiều bức vẽ của mình để dạy AI nhằm cải thiện hiệu quả công việc. "Nếu là họa sĩ hàng đầu, tôi sẽ tẩy chay AI. Nhưng tôi cần công việc này nên phải học cách sống chung với AI, dùng nó cho công việc của mình thay vì chối bỏ", Yu nói.
Nhà tuyển dụng cũng đang khuyến khích họa sĩ dùng AI để tăng năng suất. Tại studio của Yu, trí tuệ nhân tạo đang đảm nhiệm việc vẽ trang phục, phụ kiện cho nhân vật từ bản phác thảo ban đầu của họa sĩ.
Một họa sĩ đang làm trong một công ty game hàng đầu ở Thượng Hải cho biết trước đây mỗi người chỉ vẽ một phân cảnh mỗi ngày. Nhưng giờ đây, với sự trợ giúp của AI, khối lượng công việc được đẩy lên gấp 40 lần, nhà phát hành game cũng có nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên, công cụ AI cũng khiến những người ở lại phải cạnh tranh với nhau nhiều hơn. Cuộc chiến ai dùng AI hiệu quả hơn bắt đầu. Nhiều người thậm chí tăng ca, tranh thủ thời gian nghỉ để đào tạo AI.
Trong khi đó, nhiều cuộc tranh cãi đã nổ ra trên mạng xã hội. Một số phản đối các nhân vật được vẽ bằng AI, cho rằng studio game đã quá cẩu thả khi lấy tác phẩm nghệ thuật từ Internet về dùng. Hạn chế thường gặp với sản phẩm được vẽ bằng trí tuệ nhân tạo là bàn tay không tự nhiên, kính mắt bị đặt sai vị trí... Hồi tháng 2, công ty game Tourdog Studio thuộc Tencent cam kết sản phẩm vẽ bằng AI sẽ không xuất hiện trong game di động Alchemy Stars sau khi cộng đồng nổi giận vì họa sĩ dùng trí tuệ nhân tạo để thực hiện ấn phẩm quảng cáo.
Ngược lại, nhiều người nói không bận tâm đến việc nhân vật trong game do AI hay họa sĩ tạo ra. Nhưng họ không muốn trả tiền cho sản phẩm từ máy móc. "Là người tiêu dùng, tôi hy vọng sau mỗi sản phẩm là công sức lao động con người. Những thứ sinh ra từ AI khiến mọi người cảm thấy nó ít giá trị", Xie Jinsen, một kỹ sư thuật toán ở Thượng Hải, nói.
Theo các họa sĩ, AI vẽ tranh vẫn thiếu một số kỹ năng của con người. Dù trí tuệ nhân tạo rất xuất sắc trong việc tạo hình, sản phẩm thường cho cảm giác "công nghiệp". Zigi Mo, đứng đầu Huanxiong Studio ở Thành Đô và bắt đầu sử dụng Midjourney và Stable Diffusion trong năm nay, nói: "AI có thể giúp các bức vẽ ấn tượng hơn nhưng không thể đáp ứng được yêu cầu đặc biệt của khách hàng. Lúc này, nó chỉ là công cụ hỗ trợ".
Jeffrey Ding, phó giáo sư tại Đại học George Washington và đang nghiên cứu về sự phát triển của AI ở Trung Quốc, cho rằng trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế rất nhiều công việc, không chỉ riêng họa sĩ mà cả luật sư, nhà văn cũng bị đe dọa.
Còn nhà phát triển game Xiao Di tin làm sóng mất việc vì AI sẽ nhanh chóng lan sang các ngành nghề khác. "Mỗi cuộc cách mạng công nghệ đều bỏ lại một nhóm người không kịp thích nghi. Vẽ minh họa bằng AI là bước khởi đầu. Rất nhanh thôi, chúng ta sẽ chứng kiến lao động ở nhiều ngành nghề bị mất việc, từ lập trình đến dịch vụ", Xiao Di nói.
Khương Nha (theo Rest of World)