Chị Nguyễn Thủy (quận Tân Phú, TP HCM) mua bộ camera an ninh chống trộm với giá 2,2 triệu đồng, bao gồm camera, đầu lưu trữ, cáp và tính cả công lắp đặt. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 6 tháng, thiết bị có dấu hiệu xuống cấp, hình ảnh quay được không rõ ràng, bị nhòe, độ phân giải thấp. Tháng trước, gia đình đã bị trộm đột nhập và lấy đi một số tài sản, nhưng máy quay không ghi rõ gương mặt hung thủ.
Chị Thu Hồng (quận 7, TP HCM) cũng trang bị cho dãy trọ của mình hệ thống camera giám sát với giá 10 triệu đồng nhằm đảm bảo an ninh cho những người thuê trọ. "Do cũng chỉ theo dõi ở mức cơ bản nên tôi chỉ mua camera loại 300.000 đồng, nhưng một thời gian ngắn là có dấu hiệu trục trặc, tín hiệu truyền về điện thoại chập chờn, có chiếc còn mất hẳn tín hiệu. Gọi đơn vị thi công đến thì lúc đầu họ còn đến nhưng sửa qua loa, được vài hôm thì đâu lại vào đó. Mấy lần sau, gọi họ còn lấy lý do này khác để không đến. Tôi đành phải gỡ bỏ toàn bộ hệ thống để lắp loại mới đắt tiền, chất lượng đảm bảo hơn", chị Hồng bức xúc.
Anh Duy Phong (quận Thủ Đức) cũng vừa sử dụng hệ thống camera mới để quản lý người giúp việc trong nhà và theo dõi việc học tập của đứa con trai 8 tuổi. Dù chưa gặp phải tình trạng giống như chị Thủy hay chị Hồng, nhưng tốc độ Internet thường xuyên bị chậm sau khi hệ thống camera được kết nối, dù mạng anh dùng là cáp quang, tốc độ 22 Mb/giây.
Những trường hợp bị như chị Thủy, chị Hồng và anh Phong không hiếm, thậm chí là phổ biến. Tâm lý "sợ đắt" chính là lý do người dùng tìm đến với camera giá rẻ.
Anh Hồ Thạnh, Giám đốc kỹ thuật của một công ty chuyên về lắp đặt camera, cho biết, khác với doanh nghiệp, người dùng cá nhân chỉ muốn đầu tư hệ thống camera theo dõi ở mức cơ bản, giá rẻ với mục đích là thiết bị có thể ghi hình được với mức giá phải chăng.
Thị trường camera quan sát hiện khá nhộn nhịp. Bên cạnh thiết bị chất lượng cao đến từ các thương hiệu Honeywell (Mỹ), Bosch (Đức), Safran (Pháp), Hikvision (Trung Quốc)… với giá không dưới 3 triệu đồng mỗi camera, trong nước còn có các sản phẩm khác đến từ Trung Quốc với giá khá rẻ, chỉ từ 300.000 đồng. So với những năm trước, mẫu mã, chủng loại của các sản phẩm này đa dạng hơn ở cả mảng camera analog (có dây) lẫn camera IP (không dây).
Tuy nhiên, việc sử dụng hàng giá rẻ, hàng nhái thương hiệu nổi tiếng đi kèm với rất nhiều rủi ro. Dễ thấy nhất là tuổi thọ ngắn. Hầu hết những mẫu camera này đều được sản xuất với số lượng lớn, không kiểm định, sử dụng các linh kiện rẻ tiền để giảm giá thành… đồng nghĩa với thiết bị nhanh hỏng hơn, đặc biệt là trong môi trường mưa, gió, nắng. Thông thường, cảm biến hình ảnh sẽ bị chịu ảnh hưởng đầu tiên. Với những mẫu giá rẻ, bộ phận này nhanh bị tác động bởi nhiệt độ, độ ẩm... khiến nó bị xuống cấp, từ đó, xuất hiện tình trạng hình ảnh chập chờn, không rõ nét, bị nhiễu, loạn màu sắc… thậm chí là không thể ghi hình.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Mạng máy tính và Truyền thông Đại học Công nghệ thông tin TP HCM, những mẫu camera giá rẻ còn tiềm ẩn hiểm họa bảo mật. Ông khẳng định, không có bất kỳ camera nào trên thị trường hiện nay an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, với camera giá rẻ, nguy cơ bị đánh cắp thông tin, bị theo dõi cao hơn rất nhiều, do nhà sản xuất ít chú tâm hơn ở khâu bảo mật, thậm chí cài vào những thứ đáng ngờ.
"Trong những mẫu camera giá rẻ chúng tôi kiểm nghiệm, cả 100% thiết bị đều có cửa hậu (backdoor). Khi bị lợi dụng, hacker có thể đột nhập vào và lấy đi những hình ảnh nhạy cảm mà chủ nhân không hề hay biết", ông Tuấn cho biết.
Như vậy, việc bị theo dõi và đánh cắp thông tin không chỉ ảnh hưởng đến quyền riêng tư, mà còn là mối lo lớn cho an ninh cá nhân, bởi những hacker có thể thông qua camera để biết tất cả mọi người đang làm gì mà không cần đến đó khảo sát. Thậm chí, "nếu hacker khống chế và kiểm soát camera ở khu vực quân sự, cơ quan, tổ chức nhà nước..., những bí mật quốc gia có thể bị lộ", ông cảnh báo.
Ngoài ra, những mẫu camera giá rẻ còn có thể bị hacker lợi dụng để biến thành botnet để tấn công DDoS hoặc phát tán mã độc như sự cố Dyn xảy ra hôm 21/10 vừa qua.
Bảo Lâm