Bức xúc trước việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trái phép sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tuần trước, một số hacker trong nước đã tấn công vào các trang web nhỏ lẻ của Trung Quốc.
Ngay sau đó, hacker Trung Quốc phản công và thay đổi giao diện hàng trăm website của Việt Nam. Theo số liệu thống kê của một số trang bảo mật, trước ngày 10/5 có 102 website của Việt Nam bị ảnh hưởng và tính sáng ngày 11/5, con số này đã tăng lên thành 225 trang. Công ty an ninh mạng Bkav cũng đưa ra con số 220 website bị hacker Trung Quốc tấn công deface (thay đổi giao diện) nhưng chưa có thống kê về số trang bị DDoS.
Ông Nguyễn Hồng Phúc, chuyên gia thuộc diễn đàn bảo mật HVA Online, cho hay những hacker trong nước thực hiện các cuộc tấn công website Trung Quốc vừa qua thực ra không thuộc một tổ chức nào và họ đang muốn thể hiện bản thân hơn là tính đến các thiệt hại lâu dài. Năm 2012, khi tàu Trung Quốc làm đứt cáp tàu Bình Minh 2 của Việt Nam, hacker trong nước đã tấn công một vài trang web của Trung Quốc, hậu quả là hơn 2.000 website của Việt Nam sau đó đã bị làm cho tê liệt.
Trên thực tế, hacker Trung Quốc không những thực hiện các cuộc tấn công deface mà còn có thể điều khiển các mạng botnet (mạng máy tính ma) rất lớn để triển khai tấn công từ chối dịch vụ DDoS. Thống kê cho thấy, chỉ cần 1/3 số lượng botnet này được huy động cũng đủ khiến cho toàn bộ hệ thống Internet của Việt Nam gặp sự cố, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng và nặng nề.
Ông Phúc cho rằng việc khơi mào chiến tranh trên mạng lúc này là hoàn toàn không phù hợp, gây bất lợi cho Việt Nam khi mà Việt Nam chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng, trong khi tương quan lực lượng đang nghiên hẳn về bên kia, không chỉ bởi số lượng hacker Trung Quốc rất lớn mà hạ tầng Internet của họ cũng tốt hơn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Đức, Chuyên gia bảo mật thuộc Ban Công nghệ - Tập đoàn FPT, nhận định, khi các bạn trẻ đánh website Trung Quốc thì hậu quả đã nhanh chóng thể hiện rõ. Nhiều website chính phủ, doanh nghiệp, ngân hàng... của Việt Nam sẽ trở thành mục tiêu tấn công của hacker Trung Quốc trong khi các trang web tại Việt Nam chưa sẵn sàng đối phó với các cuộc khai thác lớn, khiến cho nhiều dịch vụ trực tuyến của Việt Nam sẽ bị tê liệt.
Ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Công ty Bkav, cho hay xu hướng xung đột chính trị kéo theo xung đột trên mạng đang hình thành rõ nét. Đây không phải hiện tượng mới và là điều tất yếu sẽ xảy ra. Điều này có thể thấy rõ như trong suốt các tuần đầu cuộc chiến Nam Ossetia năm 2008, các trang web của chính phủ Georgia luôn trong tình trạng quá tải do tin tặc tấn công. Do vậy, Việt Nam cần chuẩn bị cho tình huống này như rà soát lại hệ thống, thiết lập mức độ an ninh cao nhất và phối hợp với các cơ quan chức năng, tổ chức bảo mật để ứng phó kịp thời.
Trước đó, trong sự kiện Ngày An toàn thông tin cuối năm 2013, Đại tá Trần Văn Hòa, Phó Chánh văn phòng Interpol Việt Nam, cho hay chiến tranh mạng là điều khó tránh khỏi bởi những cuộc tấn công này có chi phí thấp, hiệu quả cao, dễ dàng che giấu nguồn gốc. Do mọi hệ thống hiện nay đều được trang bị kết nối Internet, kẻ tấn công sẽ dễ dàng thâm nhập được vào hạ tầng thông tin quốc gia, các hệ thống quân sự, hệ thống điện, giao thông, cấp nước... chỉ bằng việc phát tán virus. Chẳng hạn, vào tháng 6/2010, virus Stuxnet tấn công vào máy tính của nhà máy điện nguyên tử Iran. "Trong tương lai, các xung đột quy mô lớn sẽ đều bắt đầu bằng chiến tranh không gian mạng", Đại tá Hòa nhận định.
Châu An