"Khi Covid-19 hoành hành, thế giới có nhu cầu ngày càng cao về tự động hóa nhằm giữ mọi người luôn an toàn", David Hanson, người sáng lập Hanson Robotics - công ty đứng sau robot Sophia, nói với Reuters.
Hanson cho biết công ty kỳ vọng sẽ sản xuất và bán được hàng nghìn robot trong nửa đầu 2020. Ông cũng cho rằng robot không chỉ giới hạn khả năng trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ mà còn có thể hỗ trợ khách hàng trong ngành bán lẻ và hàng không.
Sophia được giới thiệu lần đầu năm 2016 và nhanh chóng nhận được sự chú ý trên toàn cầu nhờ tạo hình với làn da và biểu cảm gương mặt gần giống con người, cũng như khả năng tương tác tự nhiên. Robot này từng tham dự nhiều hội nghị trên thế giới, trò chuyện với phóng viên hay thậm chí hát song ca với ca sĩ Jimmy Fallon trong chương trình Tonight Show.
Ngày 13/7/2018, robot Sophia xuất hiện với tà áo dài truyền thống của Việt Nam và có mặt tại Hà Nội để tham dự Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2018 với tư cách khách mời. Tại diễn đàn, nữ robot bàn về các vấn đề quan trọng của cách mạng 4.0.
Robot Sophia được chế tạo tại nhà máy của Hanson Robotics tại Hong Kong. Robot này sử dụng vật liệu có tên "frubber", một dạng silicon cao cấp trông gần giống da con người và được xây dựng trên công nghệ nano, có tính chất đàn hồi và co dãn như thịt. Gương mặt của Sophia tích hợp hàng loạt motor nên có chức năng biểu cảm hàng chục kiểu khác nhau khi giao tiếp. Mắt "cô" tích hợp camera, có khả năng nháy mắt và là một phần ngôn ngữ cơ thể.
Ngày 25/10/2017, Sophia được Saudi Arabia cấp quyền công dân và trở thành robot đầu tiên trên thế giới được trao chứng nhận này. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng động thái này của chính quyền Saudi Arabia là nhằm quảng cáo về một quốc gia đổi mới với các cam kết phát triển du lịch và công nghệ trong thời kỳ "hậu dầu mỏ" tới đây.
Theo báo cáo của Liên đoàn Robot quốc tế, số lượng robot thương mại bán ra trên toàn thế giới đã tăng 32%, lên 11,2 tỷ USD giai đoạn 2018 - 2019. Việc robot xuất hiện trong đời sống giúp cuộc sống con người trở nên thoải mái hơn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo lắng về việc mất kiểm soát khi chúng ngày càng "thông minh" và đưa ra nhiều thông điệp đáng lo ngại.
Như Phúc (theo Business Insider)