Nói thật, tôi là nông dân chính hiệu, quanh năm chỉ biết quần quật với ruộng vườn và là bạn chí cốt của cái liềm cái cuốc... Mặc dù công nghệ thông tin đã tràn lan khắp nơi nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ được tiếp cận với nó.
Tôi còn nhớ cách đây 5 năm, khoảng giữa năm 2007, tình cờ tôi nghe trên sóng radio đài tiếng nói nhân dân TP HCM, nhà đài thông báo cuộc thi dành cho nông dân viết về nông thôn, thấy có khả năng nên tôi gửi bài tham gia và sau đó đoạt giải. Thấy vậy, tôi tiếp tục gửi bài mỗi khi nghe đài tổ chức cuộc thi, và rồi cũng nhờ đó mà tôi có được nhiều bạn "đồng nghiệp" là nông dân ở khắp mọi miền đất nước.
Sau thời gian gửi thư về cho đài phát thanh và bạn bè qua đường bưu điện, tôi thấy cũng có nhiều lần "ba trật bốn vuột" một phần do chậm (nếu có nhanh lắm cũng phải mất 24 giờ), chưa kể đôi khi thư đi rồi vài hôm thư lại trở về... chỗ cũ. Hơn nữa, ngoài làn sóng phát thanh truyền thống, nhà đài còn có website trực tuyến và địa chỉ nhận bài qua hộp thư điện tử. Như vậy chứng tỏ việc không tiếp cận với Internet là thiệt thòi và bất lợi. Đã vậy, tôi còn bị đám trẻ trong nhà trêu rằng "Bây giờ đang là thời đại công nghệ thông tin mà mẹ còn tỉ mỉ viết thư tay". Nghĩ kỹ cũng thấy mình "quê".
Một năm sau, những cuộc thi của đài càng ngày càng mở ra nhiều, đồng thời các tờ báo lớn cũng có một vài cuộc thi khá hấp dẫn mà đa số đều nhận bài qua email. Biết làm sao, thôi thì mình cứ viết tay rồi nhờ hai đứa con đem ra tiệm net gửi đi giùm mình. Nhưng chỉ được vài lần rồi mấy đứa nhỏ bận học hành nên buộc tôi phải tìm cách khác. Hôm đó, thảo xong bài dự thi tôi mang ra dịch vụ xem tình thế ra sao rồi mới tính, và đây là lần đầu tiên vào tiệm net, tôi thấy ngại ngùng sao ấy. Trong tiệm toàn con nít, mình lớn đầu như vầy mà lại là phụ nữ nữa chẳng biết nói thế nào cho chủ tiệm hiểu, đang phân vân trong lòng thì ông chủ tiệm bước ra hỏi tôi đến tìm ai. Ngập ngừng vài giây rồi tôi đưa ra bài viết và gợi ý nhờ người giúp mình. Biết tôi "hai lúa" nên chủ tiệm kêu tôi bỏ ra vài ngàn thuê mấy đứa nhỏ đánh bài viết gửi đi giùm, nhưng gọi đứa cũng lắc đầu, ông chủ tiệm cười cười rồi nói: "Tụi nhỏ mắc chơi game". Tôi đành thui thủi cưỡi xe đạp quay trở về, đến chừng nửa đoạn đường tôi đạp xe quay trở lại dịch vụ và quyết định bận này mình phải học thôi.
Sau khi khởi động máy xong, ông chủ tiệm bảo tôi: "Xong rồi chị", tôi ngồi rồi nhìn trân trân cái máy chứ có biết gì đâu mà làm. Tôi cứ lấy hai tay cào miết lên đầu muốn rụng hết cả tóc mà chẳng giải quyết được gì. Cuối cùng, thằng con trai của ông chủ tiệm net phải kéo ghế ngồi kế bên tôi để chỉ từng chút.
Là nông dân "nòi", vả lại, do ngày xưa đi học ở trường xã nơi tôi theo học nhà trường không dạy tiếng Anh, mặt khác, trình độ cũng hơi khiêm tốn nên việc sử dụng Internet quả thật khó còn hơn tìm đường lên trời. Tất cả mọi thứ đối với tôi đều rất lạ, từ bàn phím và bảng chữ cái, kể cả Google... Ban đầu thằng con ông chủ tiệm tạo cho tôi một nickname để chat nhằm làm quen với số thứ tự của bảng chữ cái. Thấy tôi "học" có tiến bộ, "ông thầy" nhỏ hơn tôi hơn 20 tuổi cứ khen và động viên mãi làm tôi thêm phấn khích. Tranh thủ được thời gian là tôi đạp xe cả chục cây số ra ngay dịch vụ này để học. Nói ra xin ban giám khảo đừng cười, nhiều lúc đám con nít cứ theo chọc tôi "Ê tụi bây qua đây coi, bà 'Hai Lúa' muốn lột xác nè tụi bây ơi!" Nói gì thì nói, tôi cứ thản nhiên ngồi lì. Tính ra cũng mất khoảng 2 năm tôi mới thuộc được số thứ tự của bảng chữ cái. Mỗi lần vào trang web, đôi khi nhằm cái máy ở dịch vụ toàn sử dụng bằng tiếng Anh nên tôi phải mày mò ghi lại từng chữ theo thứ tự từ trên xuống, từ phải qua trái và ngược lại. Từ hàng ngang, hàng dọc... sau đó đánh dấu những chữ như là open, ok, delete... để tiện cho việc cần mở hay cần lưu, gửi hoặc xóa... Qua 2 năm học và trải nghiệm trên máy vi tính của dịch vụ Internet, tôi đã thành thạo, và kể từ đầu năm 2010, tôi bỏ hẳn viết thư tay chuyển sang soạn thảo bài viết trên máy tính. Cách làm này tôi thấy vừa tiện lợi lại vừa tiết kiệm thời gian vì trên máy tính dễ chỉnh sửa lỗi chính tả hoặc có thể thêm bớt... Từ cách làm này mà tôi đã dần chạm tay tới sự thành công.
Tính ra chỉ mới 2 năm viết lách mà tôi đã có hàng trăm bài phát sóng trên đài tiếng nói nhân dân TP HCM, trong đó chiếm đa số là tiểu phẩm. Đặc biệt, cuối năm 2010, tôi nhận được giải nhì truyện ngắn do báo Tuổi trẻ Cười tổ chức và trở thành cộng tác viên của báo. Hiện tại tôi cũng có một số bài viết được đăng trên báo mạng.
Nhằm phát triển thêm tài năng tôi thường xuyên truy cập vào diễn đàn văn học hoặc những trang thơ ca dân gian... đồng thời đăng ký học lớp Tienganh123 để học ngoại ngữ.
Nếu đem trình độ ra xét thì tôi xin thua vì giai đoạn thời bao cấp gia đình nghèo khổ quá nên ráng lắm tôi mới lấy được bằng cấp phổ thông cơ sở, xong rồi đem về... cất kỹ rồi đi lấy chồng. Sau đó, cái nghèo lại tiếp tục đeo bám mặc dù tôi đã cố tình trốn chạy. Moi cả ruột gan và trút cho cạn nỗi lòng để chia sẻ với ban giám khảo cuộc thi rằng, cũng vì nghèo không có điều kiện mà cuộc đời tôi phải chịu cảnh "một nắng hai sương" quanh năm bám dính ruộng đồng. Nhưng hôm nay, "Hai Lúa" như tôi đã lột xác được lên ngồi đối diện với cái máy vi tính và làm bạn với công nghệ thông tin, quả là một bứt phá mà trước giờ tôi chưa bao giờ dám nghĩ tới. Có nhiều nhà nông trong xóm tôi ban đầu họ cũng xì xào vì họ cho là tôi đến dịch vụ để tìm những thứ gì bậy bạ nhằm đáp ứng cho cá nhân tôi, nhưng dần dà thấy tôi phát triển và "lên đời" từ mạng Internet nên họ chuyển qua khen. Bây giờ mỗi khi cần sử dụng thuốc trừ sâu hay muốn chuyển đổi cây trồng gì thì họ lại nhờ tôi truy cập vào mạng để tìm hiểu thông tin của các diễn giả.
Tóm lại, tôi đồng ý cái gì trên đời có mặt phải cũng có trái, mình đừng nên lạm dụng, chỉ cần biết sử dụng là đủ. Do đó, việc sử dụng Internet đối với tôi rất quan trọng, vì nhà mạng bao phủ toàn thế giới, chúng ta chỉ cần ngồi tại chỗ cũng có thể biết trên thế giới đang xảy ra chuyện gì rồi, đúng không?
Nguyễn Thị Cẩm Vân