Google và Apple là hai doanh nghiệp nằm trong Big 5 (Apple, Google, Amazon, Microsoft và Facebook) - những công ty công nghệ có giá trị nhất toàn cầu. Với tiềm lực tài chính khổng lồ, cả hai được kỳ vọng sẽ là nơi xuất hiện những sản phẩm đột phá cho người dùng. Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản như vậy.
Có quá nhiều sự lựa chọn
Doanh nghiệp nào cũng muốn có thật nhiều tiền, nhưng điều đó chưa hẳn đã tốt. Trong thế giới công nghệ thông tin, nguồn tài chính quá dồi dào có thể dẫn đến những quyết định tồi tệ.
Chẳng hạn, Google có thể hỗ trợ bất cứ nhà phát triển nào tạo ra sản phẩm, miễn ý tưởng của họ tốt. Trên thực tế, hãng thường "ném" tiền cho những thứ tiềm năng, nhưng hầu hết không thành công. Thậm chí, có hẳn một website mang tên KillsByGoogle đề cập đến hàng loạt sản phẩm thất bại mà công ty tìm kiếm đã đầu tư.
Google cũng nổi tiếng với các dự án "đem con bỏ chợ", tức là phát hành sản phẩm một cách nửa vời. Sau khi đến tay người dùng, nó chỉ được hỗ trợ một thời gian ngắn trước khi bị rũ bỏ hoàn toàn. Hành động đó không chỉ gây thiệt hại cho người mua, mà còn khiến nhà đầu tư mất niềm tin.
Apple có nhiều tiền mặt hơn cả Google, nhưng công ty iPhone thường chi tiêu có chủ đích, cũng như tránh việc hủy bỏ sản phẩm. Tấm sạc không dây cho iPhone, Apple Watch mới đây là trường hợp hiếm hoi hãng làm điều đó.
Có tiền nhưng chưa thể làm gì mình muốn
Sở hữu hàng tỷ USD, thậm chí hàng nghìn tỷ USD nhưng việc tiêu chúng vào mục đích gì chưa hẳn được quyết định hoàn toàn bởi CEO Google hay Apple. Họ sẽ phải "cúi đầu" trước cổ đông - những nhà đầu tư cho công ty họ. Chính các cổ đông sẽ quyết định doanh nghiệp có giá trị bao nhiêu.
Điều cổ đông quan tâm chính là lợi nhuận. Apple hoàn toàn đủ khả năng sản xuất sạc nhanh, sạc không dây thậm chí đưa nó vào hộp iPhone trước khi bán ra. Tuy nhiên, họ sẽ phải giải thích tại sao mình làm điều đó và chiến lược này có giúp lợi nhuận tăng hay không. "Sự giám sát liên tục của cổ đông thường ngăn cản các công ty đã thành công đầu tư vào sản phẩm mới, những thứ tiềm năng thấp hoặc phát kiến đi ngược xu thế", một chuyên gia giải thích.
Tất nhiên, Apple hay Google đều vẫn cần phải đổi mới để giữ lợi thế cạnh tranh, nhưng việc "ném" tiền vào một dự án nào đó không còn thoải mái mà phải suy trước tính sau, kể cả khi tiền không là vấn đề.
Tùy thuộc vào công nghệ
Trong tự nhiên, mọi sự phát triển đều có trình tự, ví dụ chim được nở từ trứng, cây phát triển từ hạt... Công nghệ cũng vậy, điện thoại di động không thể xuất hiện trước điện thoại cố định.
Với Apple cũng vậy, họ không thể đến TSMC, chồng 100 tỷ USD tiền mặt và yêu cầu đối tác sản xuất chip 3nm cho iPhone. Để làm được điều đó, họ phải đợi đến khi công nghệ cho phép hoặc trực tiếp nghiên cứu ra công nghệ mới, nhưng chắc chắn họ phải đợi thêm thời gian.
Giới hạn của nguồn nhân lực
Đối với một doanh nghiệp, nhân lực là yếu tố vô cùng quan trọng bởi nó quyết định đến việc một sản phẩm từ lúc thai nghén cho đến khi tới tay người dùng. Nếu công việc không yêu cầu công nhân có tay nghề cao, các công ty sẽ trả mức lương thấp và ngược lại.
Nhưng trong thế giới của Thung lũng Silicon, thực tế rất khác. Phân phối phần mềm là công việc không cần đến tay nghề cao, cũng không phải là điều gì đó quá nặng nhọc. Mọi thứ tập trung vào người tạo ra nó.
Những công ty như Apple chỉ cần mỗi bộ phận đều có một nhân sự giỏi nhất, từ mã hóa, tiếp thị đến quản lý. Họ sẽ được hưởng mức lương cao ngất ngưởng. Tuy nhiên, không như trong game càng nhiều tiền càng sở hữu sức mạnh lớn, việc trả lương cao cho nhân viên chưa chắc mang lại thành công. Đó là lý do tại sao các doanh nghiệp thường xuyên "ăn cắp" nhân viên của nhau bằng đãi ngộ hấp dẫn, mức lương cao, lợi ích tốt hơn hoặc vị trí cao hơn.
Trên thực tế, việc "săn" được nhân viên có tác dụng gấp đôi bởi không chỉ mang về người có tài, nó còn giảm sức mạnh đối thủ. Do vậy, để giữ nhân viên giỏi, các công ty thường có chương trình đào tạo riêng cho vị trí họ cần kèm điều khoản trừng phạt nặng tay nếu phá vỡ hợp đồng.
Hơn nữa, phát triển một sản phẩm cũng giống như nuôi một đứa trẻ. Nếu tự tay tạo ra, nhà phát triển sẽ hiểu rõ nó hơn, từ đó sự cố cũng được giải quyết nhanh hơn nếu xảy ra. Với các lý do trên, nguồn nhân lực thường là "nút cổ chai" để phát triển sản phẩm phần mềm tại Thung lũng Silicon.
Bảo Lâm (theo Phonearena)