"Mở rộng quy mô và tạo một nền tảng bền vững cho Station thực sự khó khăn. Chúng tôi đã làm việc với nhiều đối tác và quốc gia, nhưng mỗi nơi lại yêu cầu về cơ sở hạ tầng và kỹ thuật khác nhau, khiến việc triển khai trở thành vấn đề thách thức", đại diện Google nói với The Verge.
Google cũng thừa nhận, sự phổ biến của mạng di động 4G và sắp tới là 5G với giá cước ngày càng rẻ cũng là nguyên nhân khiến lượng người dùng Wi-Fi giảm. "Wi-Fi hiện không còn quan trọng như năm 2016 - thời điểm Station bắt đầu hoạt động", Google nói.
Việc ngừng cung cấp Station sẽ được thực hiện trong năm nay và Google sẽ chuyển giao công nghệ cho các đối tác địa phương muốn tiếp tục triển khai Wi-Fi miễn phí.
Tại Ấn Độ, nhà cung cấp Internet băng thông rộng RailTel xác nhận sẽ tiếp tục cung cấp Wi-Fi miễn phí tại nhà ga nơi trước đây đã làm việc với Google. Còn tại Nam Phi, Google chuyển các hoạt động sang đối tác Think Wifi.
Sáng kiến về một chương trình phủ sóng Wi-Fi miễn phí được Google công bố đầu tiên năm 2015 và được triển khai một năm sau đó với tên Google Station, hướng đến những khu vực công cộng như trường đại học, nhà ga, bến tàu, sân bay... và khu đông dân cư tại các quốc gia đang phát triển. Dịch vụ này xuất hiện ở Brazil, Nam Phi, Nigeria, Thái Lan, Philippines, Mexico, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.
Riêng Việt Nam, Google Station có mặt đầu năm ngoái. Tháng 4/2019, nhiều địa điểm như Bến xe miền Tây, Đại học Sư phạm kỹ thuật, Hutech, Đại học Công nghiệp, Đại học Bách Khoa (TP HCM), Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, Cao đẳng Bách Khoa, Đại Học Ngoại Ngữ (Đà Nẵng) hay Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học Tự nhiên (Hà Nội) đã sử dụng Wi-Fi của Google. Người dùng cần phải xem quảng cáo trước khi sử dụng và thời gian bị giới hạn.
Google không phải là công ty duy nhất có tham vọng phủ sóng Wi-Fi miễn phí toàn cầu. Facbook cũng công bố dự án tương tự mang tên Internet.org. Dự án Starlink của SpaceX (công ty của tỷ phú Elon Musk) phóng hơn 12.000 vệ tinh phát sóng Internet vào không gian cũng đang được triển khai.
Bảo Lâm