Sau hai thế hệ Galaxy Z Flip và Galaxy Fold nguyên bản, Galaxy Z Fold 2 là phiên bản nâng cấp với nhiều công nghệ hiện đại từ hãng điện tử Hàn Quốc.
Đầu tiên là tấm nền dẻo có biên độ gập nhỏ bậc nhất thế giới - thành tựu của quá trình nghiên cứu suốt 12 năm của Samsung. Sau khi vượt qua 200.000 bài thử nghiệm, tấm nền dẻo được Bureau Veritas - cơ quan chứng nhận toàn cầu có trụ sở tại Pháp - xác nhận về độ bền và ổn định. Nhờ đó, Z Fold 2 có thiết kế gập mỏng và gọn gàng hơn.
Tấm nền siêu dẻo của Z Fold 2 có khả năng uốn cong theo một vòng tròn với bán kính chỉ 1,4 mm. Độ cong càng nhỏ càng giúp ích cho việc nâng cao trải nghiệm người dùng vì nó cho phép mức phát thải ánh sáng xanh thấp hơn. Cụ thể, tấm nền này có ánh sáng xanh được giảm xuống 6,5%. Theo đại diện Samsung, đây là mức thấp nhất trong ngành công nghiệp màn hình, hạn chế tối đa tình trạng mỏi mắt khi sử dụng trong thời gian dài.
Nhằm tăng cường độ cứng cáp và bền bỉ của thiết bị khi gập, hãng gia cố thêm lớp kính siêu mỏng UTG (Ultra-Thin Glass) 30 micromet. Sản xuất bằng quy trình đặc biệt, kính UTG có độ mỏng đủ để uốn cong theo tấm nền màn hình dẻo, đồng thời cũng đủ cứng để không bị hư hại sau nhiều lần gập mở. Độ mỏng tối ưu còn giúp giảm độ dày tổng thể của máy, đặc biệt khi gập lại làm đôi.
Chất liệu kính với độ trong suốt cao, khác với lớp phủ nhựa dẻo trên màn hình của Galaxy Fold nên Fold 2 hiển thị hình ảnh trung thực, trải nghiệm lướt tay trên mặt kính cũng mượt mà hơn nhờ ứng dụng màn hình có tần số quét 120Hz. Đồng thời, máy có mức chịu lực cao hơn, khó trầy xước, tăng khả năng bảo vệ màn hình.
Khi nói đến khả năng gập mở, một trong những điều mà người dùng chú ý nhất là bản lề máy. Hãng cũng đã thiết kế lại bộ phận này, nhằm tăng độ ma sát và ổn định khi thao tác, cho phép thiết bị có thể giữ ở nhiều góc độ khác nhau. Thế hệ bản lề thứ 3 của Samsung mang tên Hideaway, sử dụng cơ chế CAM, cho phép máy tự đứng ở góc mở 75 đến 115 độ. Bản lề ẩn với thiết kế cơ học chuẩn xác giúp Fold 2 có thể đóng mở linh hoạt, thay vì chỉ mở ra gập vào như thế hệ đầu.
Bộ phận này có 4 chốt nhằm đảm bảo độ cứng cáp xuyên suốt quá trình gập mở. Cơ chế bản lề mới giúp điện thoại có thêm cơ chế hoạt động theo kiểu laptop (một nửa màn hình nằm trên mặt phẳng, nửa kia dựng lên) khi sử dụng một số tính năng phần mềm nhất định, như xem video.
Samsung cũng đã cải thiện độ bền của bản lề bằng cách trang bị khả năng ngăn bụi bẩn xâm nhập. Các chuyển động gấp và mở được thực hiện khá trơn tru. Theo thử nghiệm của hãng, bản lề có thể đạt tuổi thọ 200.000 lần gập mở.
Một công nghệ khác được người dùng yêu thích là Flex Mode - chế độ gập một nửa. Cụ thể, khi bản lề máy chưa đóng lại hoàn toàn, màn hình của chiếc điện thoại sẽ tách làm hai phần, một bên hiển thị nội dung, còn lại là bảng điều khiển; đồng thời có thể chia đôi màn hình theo chiều dọc hoặc ngang.
Tức, bạn có thể vừa chụp hình bên phải, vừa lướt xem bộ sưu tập ảnh cùng các thao tác khác bên trái nếu chia theo chiều dọc. Còn nếu chia theo chia ngang, bên trên là chụp và xem ảnh, các tùy chỉnh, phím chức năng để điều khiển camera sẽ ở bên dưới.
Ngoài những cải tiến trong thiết kế, máy còn có giao diện OneUI 3.1 mới hỗ trợ thao tác đa nhiệm tốt hơn. Với bố cục đa cửa sổ được nâng cấp, bạn có thể thực hiện đa nhiệm với hai ứng dụng trên màn hình ngoài, sau đó di chuyển ứng dụng đến màn hình chính và mở ứng dụng thứ ba với tính năng chia màn hình Split Screen. Người dùng cũng được hỗ trợ nhiều phím tắt giúp đơn giản hóa thao tác, như tắt máy với Palm touch to turn off screen.
Máy sử dụng chip Snapdragon 865+ với RAM 12 GB, bộ nhớ trong 256 GB hoặc 512 GB, hỗ trợ UFS 3.1 và không có khe cắm thẻ nhớ mở rộng. Pin được tăng từ 4.235 mAh lên 4.500 mAh, hỗ trợ sạc có dây 25W nhanh hơn so với thế hệ trước (15 W). Thiết bị hỗ trợ 5G cả hai băng tần là mmWave và sub-6GHz.
"Galaxy Z Fold 2 đã khắc phục mọi vấn đề về thiết kế trên chiếc Fold thế hệ đầu, tối ưu những trải nghiệm cho tín đồ công nghệ", đại diện Samsung nói.
Minh Tú (Ảnh: Samsung)