Theo Washington Post, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) và Facebook đang đàm phán giải quyết các vấn đề về quyền riêng tư, trong đó tập trung vào việc mạng xã hội này chia sẻ trái phép dữ liệu của 87 triệu người dùng với Cambridge Analytica - công ty tư vấn chính trị của Anh đã phá sản năm ngoái. FTC được cho là đề xuất một khoản phạt nhưng phía Facebook chưa đồng ý. Nếu không đạt thỏa thuận, hai bên có thể phải nhờ đến sự giải quyết của tòa án.
Vướng mắc nằm ở khoản tiền mà FTC yêu cầu lên tới hàng tỷ USD. Dù chưa tiết lộ con số chính xác, nó được dự đoán là số tiền nộp phạt lớn nhất mà FTC đưa ra với một công ty công nghệ.
Khoản tiền phạt lớn nhất FTC áp dụng cho một công ty công nghệ là 22,5 triệu USD, dành cho Google năm 2012, cũng liên quan đến quyền riêng tư của người dùng. Trong khi đó, mức phạt cao nhất thuộc về công ty dược phẩm Teva Pharmaceutical Industries năm 2015, lên tới 1,2 tỷ USD do vi phạm luật chống độc quyền.
Năm ngoái, Facebook cũng bị Văn phòng Ủy viên Thông tin Anh (ICO) phạt 500.000 bảng Anh (khoảng 645.000 USD) vì thu thập và để lộ thông tin thành viên.
Bê bối Cambridge Analytica bắt đầu từ 2015 khi công ty này mua dữ liệu từ Aleksandr Kogan, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Cambridge. Sự việc được Guardian thông báo cho Facebook và mạng xã hội này cấm Kogan khỏi nền tảng của mình, đồng thời yêu cầu ông cũng như Cambridge Analytica chính thức xác nhận rằng họ đã xóa dữ liệu.
Tuy nhiên đầu tháng 3/2018, Facebook mới biết Cambridge Analytica không hề xóa dữ liệu như tuyên bố. Thông tin của 87 triệu thành viên Facebook được cho là đã sử dụng vào mục đích chính trị, liên quan đến chiến dịch tranh cử năm 2016 của Tổng thống Donald Trump. Scandal cũng khiến CEO Facebook phải điều trần trước Quốc hội Mỹ.
Như Phúc