Nếu từng một lần vào xem phim 3D trong rạp, hẳn mọi người đều nghĩ một ngày nào đó những thước phim với các cảnh tượng diễn ra như ngay trước mặt sẽ được thưởng thức tại nhà.
Nắm bắt được xu thế đó, hàng loạt hãng điện tử đã cho ra đời các loại tivi 3D để đáp ứng nhu cầu người dùng, thậm chí những loại tivi 3D không cần kính cũng đã có mặt.
"Kích cỡ tivi 3D tối đa hiện nay chỉ khoảng 63 inch, thường thì mọi người chọn loại 40-50 inch", anh Vũ Phạm Anh Tuấn, thành viên quản trị mạng thuộc một diễn đàn HD, 3D, chia sẻ.
Mọi người đang thưởng thức phim 3D với máy chiếu Optoma HD 66, cũng có thể xem dạng này với các dòng khác như GT 7OO... Ảnh: Kiên Cường. |
Vì vậy, với mong muốn đem cả rạp chiếu phim 3D về nhà, các tay chơi tại Sài Gòn vừa tích hợp được hệ thống 3D DLP cho phép một máy chiếu đưa các đoạn phim 3D lên một màn chiếu cỡ từ 100 đến 300 inch, tạo thành một màn ảnh rộng.
"Các máy chiếu phát được 3D cũng đã có mặt ở Việt Nam từ khoảng một năm nay nhưng hầu như rất ít người tận dụng mà chỉ dùng để xem 2D. Việc tích hợp được hệ thống để máy chiếu phát 3D tại gia với màn chiếu lớn là một thành công", anh Tuấn nói.
Cuối tuần qua, hội những người chơi HD, 3D, tại Sài Gòn đã tổ chức buổi offline trình chiếu công nghệ mới này và chia sẻ kinh nghiệm với nhau. "Rạp" chiếu phim 3D tại gia bao gồm: một máy tính với card đồ họa mạnh cùng phần mềm để chiếu phim 3D, máy chiếu có công nghệ DLP Link, kính 3D, màn chiếu bạc chuyên dụng để chiếu 3D, dây HDMI 1.4 (hỗ trợ đến độ nét 1080 pixel).
"Nhìn đơn giản vậy chứ phức tạp lắm, để trình chiếu 3D bằng máy chiếu lên màn hình lớn là cả một vấn đề. Khoảng cách để trải nghiệm được các hiệu ứng một cách tốt nhất là 16m từ máy chiếu, rất thích hợp xem ở nhà", anh Phúc, người đã cài đặt và lắp ráp thành công hệ thống, trình chiếu ngay tại nhà mình, nói.
Anh Phúc đã phải mua phần mềm ở nước ngoài, hy sinh nhiều dây cáp HDMI để đồng bộ hóa được hệ thống. "Một dây HDMI 1.4 có giá khoảng 250 đến 300 USD, tôi đã thử khá nhiều loại vì thực tế dây mua về không đúng chuẩn của nhà sản xuất nên không thể kết nối để trình chiếu 3D", anh Phúc phân tích.
Xem 3D tại gia với màn hình từ 100 đến 300 inch như tại các rạp chiếu phim. Ảnh: Kiên Cường. |
Ngoài việc thưởng thức chất lượng phim 3D tương đương với rạp chiếu phim với màn ảnh rộng, hệ thống mới này còn giúp người dùng tiết kiệm rất nhiều chi phí. Giá máy chiếu khoảng 1.000 USD, màn bạc tự làm chỉ khoảng bằng chi phí đó, một dàn âm thanh nữa là có thể xem 3D ngay tại nhà.
Chi phí cho máy chiếu chỉ bằng việc mua tivi 3D nhưng lại cho hình ảnh với màn hình lớn, coi đã mắt. Ngoài ra, không phải tốn chi phí cho đầu Bluray (khoảng hơn 10 triệu đồng), cộng thêm đĩa dạng này mất khoảng từ 30 đến 40 USD.
Thay vì phải ra rạp xem 3D hoặc dán mắt vào các màn hình tivi 3D khoảng 50-60 inch thì với khoảng trên dưới 20 phim 3D đã có mặt ở Việt Nam, việc xem ở nhà với màn hình 100-300 inch sẽ khiến mọi người thích thú hơn rất nhiều. Đem cả rạp chiếu phim 3D về nhà giờ đã là điều có thể thực hiện được.
Các công nghệ 3D hiện nay: - Công nghệ 3D dùng tại rạp: 3D Dolby (cụm rạp Megastar, Galaxy...) sử dụng bộ lọc gồm 3 màu chính: red, green, blue để tái tạo hình ảnh 3D. Do tận dụng lại màn chiếu và máy chiếu sẵn có nên chi phí rẻ là lựa chọn phần lớn của các rạp 3D hiện nay. - Công nghệ 3D phân cực (có ở Đầm Sen, Suối Tiên...): Sử dụng 2 máy phóng kết hợp với màn bạc và kính phân cực. - Công nghệ 3D ở nhà: Xem với tivi 3D có kính hoặc không cần kính. Tivi 3D thường sử dụng tần số quét cao 120 Hz-240 Hz, kích cỡ màn hình nhỏ chỉ từ 40 đến hơn 60 inch. - Công nghệ 3D DLP: Sử dụng một máy chiếu tạo ra hình ảnh 3D sống động, vừa có tính năng như máy chiếu 2D vừa có tính năng chiếu 3D (tái tạo hình ảnh lên đến 120 Hz). Không chỉ với gia đình, loại hình này còn phù hợp với phòng chiếu dành cho dạy học, hội thảo khoảng 50 người. |
Kiên Cường - Hà Mai