Trước khi về Việt Nam, tiến sĩ Tuấn Cao là kỹ sư cao cấp tại Google AI, sau đó thành lập Genetica - công ty xét nghiệm gene ứng dụng AI tại Mỹ. "Năm 2017 khi quyết định rời đi, tất cả gợi ý đều chỉ dẫn về Singapore, nơi vô cùng cởi mở về công nghệ mới, được chính phủ hỗ trợ và dễ kết nối khách hàng tiềm năng... Nhưng cuối cùng, nhìn bức tranh lớn hơn của thị trường, tôi quyết định quay về Việt Nam", CEO Genetica kể lại trong toạ đàm trực tuyến "Làn sóng tài năng Việt trở về từ Thung lũng Silicon", do Diễn đàn Phổ cập Blockchain tổ chức vào tuần trước.
Anh nhớ lại những ngày đầu khi quyết định đặt "đại bản doanh" của Genetica ở Hà Nội thay vì Singapore, anh liên tục bị gia đình và bạn bè phản đối. "Hôm đó, một người bạn thân của gia đình đến, khóc rất nhiều khi nghe dự định của tôi và ra sức can ngăn. Chị ôm vợ tôi và trách tôi độc ác. Nó cho thấy quyết định trở về của tôi khi đó 'điên rồ' đến mức nào", anh kể.
Sau 5 năm, Tuấn Cao vẫn cho rằng đó là quyết định may mắn và thay đổi hoàn toàn cuộc đời anh. "Mọi người đều nói về Việt Nam khó phát triển nhưng tôi lại thấy ở đây có rất nhiều cơ hội. Đầu tiên là sự hỗ trợ của Chính phủ cho các lĩnh vực công nghệ mới, các bệnh viện, các trường đại học, đồng nghiệp trong cùng lĩnh vực, các công ty công nghệ", anh nói. "Tiếp đến là thị trường Việt Nam và khu vực đang rất mở và tiềm năng. "Công nghệ dù tốt đến mấy nhưng không có thị trường cũng có thể phải đóng cửa, thị trường quyết định tất cả. Genetica giải mã gen cho người châu Á vì vậy quay về Việt Nam không có gì lạ".
Theo báo cáo của Genetica, trong năm đầu giới thiệu dịch vụ, công ty đã thu hút hơn 10.000 người dùng, cho thấy nhu cầu thực tế của thị trường rất lớn. Tháng 3/2021, công ty huy động được 2,5 triệu USD trong vòng pre-series A từ các nhà đầu tư quốc tế để mở rộng hoạt động tại Đông Nam Á.
Còn Huy Nguyễn, cựu quản lý cấp cao của Google, cho rằng hai năm Covid-19 cũng là một trong những bước ngoặt quan trọng khiến nhiều tài năng công nghệ quyết định quay về. Khi đó Việt Nam là một trong những nơi "trú ẩn an toàn".
Đồng sáng lập Kardiachain kiêm CEO DecomWings cho biết, với mong muốn trở lại và đóng góp cho quê hương, cuối năm 2019, đầu 2020, công ty quyết định chuyển trụ sở từ Anh về Việt Nam để xây dựng nền tảng blockchain phục vụ cho chính người Việt trước khi vươn ra khu vực.
Theo Huy Nguyễn, Việt Nam có thể học hỏi Mỹ, Singapore về câu chuyện lôi kéo nhân tài từ khắp nơi trên thế giới. "Vài chục năm qua, những người Việt có khả năng tốt nhất, được đào tạo tốt nhất thường có xu hướng ra đi nhiều hơn là ở lại Việt Nam, chỉ cần ngăn được phần nào việc 'chảy máu chất xám' đã là rất tốt rồi", anh nói. Anh cho rằng việc đào tạo nhân tài không phải 10-20 năm mà tính theo thế hệ. Vì vậy, thu hút nhân tài về nước là nhu cầu đầu tiên, cần những chính sách, động lực đủ lớn vì nhân tài không bao giờ là đủ.
Cựu quản lý cấp cao của Google cho rằng việc lôi kéo các tài năng công nghệ từ khắp nơi trên thế giới về Việt Nam vài năm gần đây không chỉ là câu chuyện đơn lẻ của các doanh nghiệp, công ty khởi nghiệp. "Những người trẻ, tài năng khi quay về sẽ mang theo công nghệ, văn hóa làm việc ở những cái nôi công nghệ thế giới. Họ không chỉ làm việc, cống hiến mà còn góp phần đào tạo thế hệ đàn em, chuẩn bị sẵn sàng cho lực lượng công nghệ tương lai của đất nước. Ngoài ra việc họ quay về và thành công cũng sẽ là động lực để nhiều người khác có thêm động lực", Huy Nguyễn nhận định. Anh tiết lộ, trong hai năm đại dịch, anh đã "lôi kéo" được một đội ngũ hơn 10 tài năng công nghệ khác từ Google quay về Việt Nam lập nghiệp.
Còn theo Nam Đỗ, cựu kỹ sư quản lý phần mềm tại Google, cuộc sống ở Mỹ thoải mái và được làm việc trong môi trường mơ ước nhưng sức ảnh hưởng của cá nhân ở một nơi quá nhiều tài năng luôn không bằng ở những "miền đất hứa" như Việt Nam - nơi còn quá nhiều thứ để làm, để tạo ra ảnh hưởng và thay đổi cộng đồng.
"Mặc dù luôn ấp ủ khát khao quay về, phải sau một thời gian, thấy những người như anh Tuấn Cao hay Huy Nguyễn bước đầu thành công ở Việt Nam, tôi mới quyết định đây là lúc để quay về, không nhất thiết phải chờ quá lâu nữa", Nam Đỗ chia sẻ.
Anh cho biết khi thông báo về Việt Nam, nhiều đồng nghiệp và người thân cho rằng đó là quyết định lạ lùng và bất ngờ. "Nhưng may mắn là bản thân tôi thấy được thành quả của bạn bè đi trước. Có thể người thân chưa thấy nhưng tôi hy vọng có thể cùng những tài năng khác biến Việt Nam thành điểm sáng trên bản đồ công nghệ thế giới. Để sau này khi có ai đó về nước sẽ là điều bình thường, không phải cú sốc như thế hệ chúng tôi", Nam Đỗ chia sẻ.
Lynn Hoàng, đại diện Binance khu vực Đông Nam Á, nhận định, ngay ở Thung lũng Silicon, nhiều tài năng công nghệ từ các hãng khổng lồ như Google, Facebook, Apple... cũng nghỉ việc để "nhảy" sang các công ty làm blockchain. Việt Nam lại đang nổi lên là một trong những hiện tượng blockchain của thế giới. "Vì vậy việc các tài năng công nghệ quay về lúc này, tham gia vào những lĩnh vực công nghệ mới như blockchain, AI là hoàn toàn hợp lý. Các bạn khi trở về không cần quá lo lắng vì đây là xu hướng chung của Thung lũng Silicon. Ngay cả những người đang ở Mỹ cũng vẫn có thể làm việc từ xa, cống hiến cho Việt Nam mà không cần phải về tận nơi", Lynn Hoàng nói.
Theo tiến sĩ Tuấn Cao, Việt Nam đang có nhiều thế mạnh, nhất là đội ngũ kỹ sư đông, ham học hỏi, nhanh nhẹn. "Việt Nam chỉ thiếu một chút may mắn để ra sản phẩm để đời", anh nói. Còn theo Lynn Hoàng, với tốc độ phát triển hiện tại, nếu nhận được thêm những "ưu ái" của Chính phủ, blockchain có thể giúp Việt Nam sánh vai toàn cầu, mơ giấc mơ lớn hơn là nằm trong top 10 thế giới trong lĩnh vực này chứ không chỉ khu vực Đông Nam Á.
Khương Nha