"Kể từ iPhone 7, tôi vẫn đều đặn xếp hàng mua các thiết bị mới của Apple vì một số lý do. Thứ nhất, đó là sự cường điệu liên quan đến chúng, hai là vì giá trị khi bán lại, và ba là bởi Australia là thị trường đầu tiên trên thế giới được kích hoạt iPhone", Kourouche, một nhà phát triển phần mềm cho iOS, nói về lý do xếp hàng mua iPhone nhiều năm qua.
Nhưng năm nay, mọi thứ có thể khác. Giống như hầu hết nhà bán lẻ trên toàn cầu, Apple phải đóng cửa hàng để đối phó với sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Vẫn còn quá sớm để nói đến việc Apple sẽ mở lại Apple Store vào mùa thu này hay không, bởi mọi thứ vẫn phải tùy theo tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, ở một số thị trường trọng điểm của "Quả táo", mọi thứ đang rất ảm đạm. Riêng tại Anh, chính phủ nước này cho biết sẽ không mở lại các cửa hàng không thực sự thiết yếu kể từ ba đến sáu tháng sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
iPhone 12 được đánh giá là thiết bị đáng chờ đợi, bởi Apple sẽ nâng cấp phần cứng, cũng như lần đầu tiên tích hợp mạng di động 5G thế hệ mới. Thế nhưng, theo nguồn tin của Nikkei, công ty Mỹ được cho là đang cân nhắc trì hoãn ra mắt vào tháng 9. Điều tương tự có thể diễn ra đối với Galaxy Note mới vào tháng 8 và các nhà sản xuất Android cao cấp khác.
"Việc sản xuất điện thoại đã bị gián đoạn", Razat Gaurav, Giám đốc điều hành của Llamasoft, một công ty phân tích chuỗi cung ứng, nhận xét. "Khoảng 70% smartphone đang được sản xuất tại Trung Quốc. Khi đại dịch xảy ra, đã có sự gián đoạn đáng kể về nguồn cung".
Thực tế, hầu hết nhà sản xuất smartphone vẫn phải dựa vào nguồn cung linh kiện từ Trung Quốc và Hàn Quốc - hai quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.
Tuy nhiên, khó khăn còn đến từ nhu cầu của người dùng. Theo số liệu từ IDC, lượng smartphone xuất xưởng trong quý đầu 2020 đã giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Hãng nghiên cứu này cũng cho biết, Trung Quốc - thị trường lớn nhất thế giới - đã mua ít hơn 30 triệu máy trong ba tháng đầu năm. Ngoài ra, sự sụt giảm còn đến từ Tây Âu và Mỹ - hai khu vực cũng đang phải vật lộn với đại dịch.
Theo một số chuyên gia trong ngành, ảnh hưởng cả nguồn cung lẫn nhu cầu người dùng là mối lo ngại lớn đối với thị trường, nhất là khi người hâm mộ Android và iOS đã có thói quen chờ đợi thời điểm cụ thể trong năm để sở hữu smartphone mới. Tuy vậy, việc nghiên cứu và sản xuất khó khăn khiến thời gian ra mắt smartphone mới bị lùi đáng kể.
"Điện thoại thông minh là một sản phẩm phức tạp với nhiều thành phần cấu tạo nên. Để hoàn chỉnh một chiếc điện thoại, nhà sản xuất phải nhập vật liệu và linh kiện từ khoảng 40 quốc gia khác nhau", Gaurav giải thích.
Frank Gillett, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Forrester, cũng cho rằng các thành phần khác nhau của quá trình sản xuất sẽ bị ảnh hưởng theo những cách không giống nhau. "Phần lớn công việc thiết kế không cần đòi hỏi tiếp xúc xã hội. Tuy nhiên, việc nghiên cứu và phát triển đòi hỏi thiết bị chuyên dụng mà nhân viên không thể mang về nhà. Khi cách ly xã hội diễn ra, các công việc sẽ bị ngưng trệ hoặc tiến độ thực hiện chậm hơn, từ đó thời gian ra mắt cũng không thể nhanh", Gillett nói.
Trong khi đó, Emile Naus, đối tác tư vấn của Bearpoint, lại cho rằng phần quan trọng nhất của điện thoại không phải là phần cứng mà là phần mềm. "Việc phát triển phần mềm có thể được thực hiện từ xa, nhưng quá trình kiểm kiểm thử cần phải làm trực tiếp", Naus cho biết. "Thử nghiệm là điều khó khăn bởi mỗi công ty cần đảm bảo bí mật. Làm việc từ xa không cho phép thực hiện điều đó".
Ngoài ra, nhà sản xuất điện thoại có thể gặp vướng mắc ở quá trình vận chuyển. Trong bối cảnh nhiều quốc gia bị phong tỏa vì đại dịch. Máy bay, tàu hỏa và các phương tiện vận tải khác ngừng hoạt động, việc cung cấp linh kiện sản xuất, cũng như đưa thành phẩm đến tay người tiêu dùng sẽ chậm trễ hơn so với trước.
Theo Gillett, với những khó khăn trên, những sản phẩm dự kiến ra mắt cuối 2020 có thể phải đẩy lùi sang 2021. Ngay cả khi ra mắt đúng thời điểm, nhu cầu thị trường chưa chắc đã cao do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến người dùng phải dùng tiền cho các mục đích thiết yếu hơn, nhất là những ai đang gặp khó khăn về tài chính.
Chuyên gia của Forrester dự đoán, trước tình hình khó khăn, các nhà bán lẻ smartphone có thể chọn giải pháp giảm giá để kích cầu. Việc giảm giá có thể thực hiện trên mẫu mới, nhưng cũng có thể giảm mạnh các model đời cũ để khách hàng có thể nâng cấp.
Bảo Lâm (theo BBC)