Những cơ hội luôn đến với ai biết chủ động tìm kiếm và nắm lấy nó, dù là bất kì ai, đang ở trong hoàn cảnh nào. Chỉ khi đã vượt qua được đáy cùng của những ngày tuyệt vọng, tôi mới có thể thấm thía và tự đúc rút ra được dù tôi vẫn biết điều đó rất xa vời với những người còn chưa thực sự dám tin và dám cất công tìm hiểu. Ít nhất tôi đã dám thử và tôi đã tìm được nó - cơ hội cho mình - không ở đâu xa mà ở ngay trong nhà mình, khi bật sáng lên màn hình máy tính và click chuột. Tất cả những cơ hội mà tôi có được trong ngày hôm nay, dù đó có phần của may mắn, không thể chỉ nhờ vào duy nhất sự cố gắng nỗ lực mà là nhờ có sự nỗ lực đúng cách khiến mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Cách mà tôi chọn đó là Internet và chỉ có thể là nhờ Internet.
Những năm 1999 - 2000, khi còn là một cô bé học cấp hai, miền núi Tây Bắc nơi tôi sống còn ở trong giai đoạn xóa mù chữ bởi biết bao nhiêu khó khăn mà một nơi vùng sâu, vùng xa với dân số chủ yếu là người dân tộc thiểu số, khi khái niệm máy vi tính vẫn còn là thứ gì đó rất viển vông và mơ hồ chỉ có ở trong những bộ phim của nước ngoài thì tôi, may mắn hơn tất thảy chúng bạn của mình đã biết đến và được học cách sử dụng. Ngày ấy, khi ngô nghê gõ những chữ cái đầu tiên trên bàn phím, bàn tay nhỏ bé vụng về đưa chuột còn mắt chăm chú vào màn hình theo lời hướng dẫn của một người đồng nghiệp của bố, máy vi tính với tôi như một món đồ chơi mới lạ và hấp dẫn. Đến ngay cả khi biết soạn thảo văn bản thành thạo, biết tự tìm trò chơi điện tử và nghe nhạc, tôi cũng vẫn chỉ ngây ngô thấy máy tính là thứ gì đó rất mơ hồ, rất xa xôi và không hề hữu dụng, nó chỉ là một món đồ xa xỉ như đúng giá trị của nó so với những gì mà cha mẹ có thể thu hoạch được từ những cánh đồng rau nuôi tôi lớn lên.
Sự bùng nổ của Internet đến khi tôi vừa vào cấp ba. Những quán hàng Internet trở thành địa điểm chơi mới lạ và những gì tôi hiểu rộng hơn ở Internet chỉ là Yahoo Messenger và một trang nghe nhạc duy nhất mà bây giờ đã không còn nhớ tên. Những người bạn mới - bạn ảo và những khung chat nhấp nháy màu cam với những dòng chữ hiện ra cùng icon vui nhộn cũng chỉ là thú vui giết thời gian mà bất kì người cha người mẹ nào cũng không muốn con mình dính vào để xao nhãng học tập. Tôi cũng là một trong số những người cố gắng tránh xa máy tính - Internet với ý nghĩ rằng mình đang tránh được một thứ trò chơi vô bổ. Tất cả mọi kiến thức đều được học qua sách vở, mọi thông tin đều được biết qua truyền hình, một số rất ít báo chí và ... truyền miệng.
Thầy giáo đại học, người phụ trách quản lý sinh viên bất ngờ hỏi tôi khi tôi vừa chân ướt chân ráo bước chân vào trường với vai trò một sinh viên năm nhất và đang hoàn thành thủ tục để chuẩn bị trở thành du học sinh theo diện liên kết của trường về một thứ tôi hoàn toàn xa lạ: hòm thư điện tử. Tôi ngỡ ngàng và cả bối rối khi phải thú thực với thầy rằng tôi hoàn toàn không biết hòm thư điện tử là gì và những thứ tôi biết trên máy tính chỉ dừng lại ở tin học văn phòng và giải trí. Ngay cả khi đã được giúp lập hòm thư và học cách sử dụng để tiện gửi hồ sơ, nhận thông tin từ trường đại học mình sắp tới, mọi thứ cũng dễ dàng bị lãng quên khi tôi xong xuôi với thủ tục du học của mình và sang một đất nước mới - nơi phát triển hơn Việt Nam nhiều lần. Cha mẹ, bạn bè tôi không sử dụng e-mail. Và tôi cũng không có lý do gì để phải dùng khi mình đã có thể trực tiếp mang hồ sơ và hộ chiếu đến nộp ở trường. Tất cả mọi giao tiếp đều được thực hiện trực tiếp hoặc qua điện thoại di động - thứ công nghệ được tôi đánh giá là hữu ích nhất trong tất cả mọi loại công nghệ.
Riêng mình tôi vào lớp, lơ ngơ chờ thầy giáo phát tài liệu trong khi các bạn khác đều đã có bản in vì lời dặn "thầy sẽ cho các em bản scan của bài học tiếp theo để các em không phải tốn tiền mua cuốn sách này". Chỉ có mình tôi là không hiểu "thầy sẽ cho" tức là "thầy sẽ gửi qua thư điện tử" và cũng không hiểu việc "nộp bài" tức là "gửi bài qua thư điện tử cho thầy", chứ không phải chạy kiếm thầy khắp tòa nhà rồi bật khóc khi biết thầy đã về, không thể đưa cho thầy bản in trực tiếp vì việc tìm dịch vụ in mất quá nhiều thời gian. Và có lẽ, cũng chỉ có mình tôi vất vả lục khắp thư viện, chạy đi hỏi hết người này đến người kia tài liệu không nằm trong sách chính thức cho bài học sắp tới trong khi các bạn thì ngồi ở nhà, vừa ăn bỏng ngô vừa click chuột cũng nhẹ nhàng hoàn thành được bài tập của mình. Khi làm chủ được việc sử dụng Internet cho việc học của mình - thứ mà các bạn cùng lớp tôi biết đến cách thời điểm đó (năm 2006) nhiều năm, tôi mới bắt đầu phải thừa nhận sự tiện lợi của Internet. Đó là cuốn sách khổng lồ với kho kiến thức vô tận, chỉ có vậy nhưng cũng là quá nhiều so với sự hiểu biết hạn hẹp của tôi trước kia.
Trong một tích tắc, một tai nạn giao thông nghiệt ngã đã đẩy tôi rơi xuống tận cùng của tuyệt vọng. Đó là những ngày tháng dài, rất dài khi nằm liệt đổ ngã trên giường bệnh. Mọi cơ hội về tương lai đều bị khuất sau bức tường cao và dài của nghịch cảnh, không có cách nào vượt qua, với tới được. Chấp nhận từ bỏ việc học khi đang là một du học sinh với biết bao nhiêu hoài bão, ước mơ và tương lai hứa hẹn, chấp nhận việc mình trở thành người khuyết tật nặng, phải ngồi xe lăn, xa rời với những dự định về việc làm, xa rời những sở thích. Cánh cửa đóng sầm lại trước mắt tôi ngay khi tôi chỉ mười tám tuổi, vừa mới bước sang năm thứ hai của đại học. Một từ "tuyệt vọng" cũng không thể nào diễn tả được hết tất cả những gì mà tôi và đôi mắt thâm quầng vì mệt mỏi sau nhiều đêm thức trắng của mẹ hiện lên qua ánh nhìn và cả những tiếng thở dài não nề.
Qua những tháng ngày dài đằng đẵng đi khắp các bệnh viện này đến bệnh viện kia điều trị nhưng không có kết quả, cuộc sống vẫn gắn liền với vòng quay xe lăn là định mệnh, tôi chấp nhận việc mình sẽ phải sống khác đi bằng việc cất đi những cuốn sách chuyên ngành, thôi quan tâm nhiều đến phạm trù ngành học mà tôi từng theo đuổi: Business of Communication. Thời gian của tôi được xoay vòng qua những ngày giống nhau: ăn - tập luyện - ngủ - đọc sách - tập luyện - ăn - ngủ. Rồi thì những cuốn sách tôi mượn được cũng không còn đủ để cho tôi đọc, dẫu có cuốn đã đọc đi đọc lại nhiều lần, Internet một lần nữa lại trở thành sách của tôi, dẫu là chỉ sử dụng qua màn hình nhỏ bé của điện thoại. Chính nó đã nâng tinh thần tôi dậy để không rơi vào những ngõ cùng của tuyệt vọng hay sự nhàm chán qua ngày bởi những thứ giải trí đơn thuần. Nếu như trước kia, tôi cho rằng điện thoại di động mang tôi đến gần với mọi người hơn thì lúc đó, tôi cho rằng Internet đã mang tôi đến gần với xã hội hơn và ngược lại, chính Internet mang thế giới quay trở về bên cạnh tôi dẫu là theo cách khác. Internet đã mở ra cho tôi cả một trời cơ hội để tôi có được tất cả những thứ tôi đang có được bây giờ, dù vẫn chỉ là một người khuyết tật ngồi trên xe lăn. Và lúc này đây, tôi tự hỏi, nếu không có Internet, tôi còn đang sống như thế nào?
Nếu không có Internet, tôi không thể tiếp tục giữ liên lạc với bạn bè, không thể nắm được thông tin, hình ảnh của họ bởi khoảng cách quá lớn giữa hai đất nước mà chỉ có chi phí cước điện thoại khổng lồ mới có thể giúp tôi cập nhật được. Nếu không nhờ sự tiện lợi và chi phí thấp của Internet, tôi đã không thể thường xuyên gặp những người bạn, họ hàng mà tôi yêu quý ở xa để tâm sự, chia sẻ và lắng nghe những lời khuyên răn giống như khi chúng tôi còn ở bên cạnh nhau.
Nếu không có Internet, tôi không thể học được những thứ mà tôi đã học trong những năm qua, sẽ không học được đồ họa (phần mềm cũng là tôi download từ Internet), sẽ không học được cách thêu thùa mới (chỉ thêu, dụng cụ thêu cũng là tôi đặt mua từ trên mạng)... Nếu không có Internet, tôi không thể biết và tham gia hệ đào tạo đại học từ xa mà rất có thể tôi sẽ tham gia để hoàn thành việc lấy bằng cử nhân của mình.
Nếu không có Internet, tôi không thể tìm được cho mẹ những bài giảng Phật pháp, không thể giải đáp cho câu hỏi của nhiều người xung quanh về những thứ tôi đã giải đáp nhờ có sự hỗ trợ của Internet như tôi đã từng làm.
Nếu không có Internet, tôi đã không quen, không có cơ hội gặp mặt để yêu và được yêu với người đang gắn bó cùng tôi bây giờ. Tôi đã không có cơ hội quen biết và giao lưu với những người có cùng đam mê, cả những người có cùng hoàn cảnh và không có cơ hội để giải đáp những thắc mắc của chính mình.
Nếu không có Internet, tôi đã không thể tự chọn mua những thứ mà mình thích, mình thấy đẹp và phù hợp với mình, đặc biệt là tủ sách của tôi. Tất cả số sách mà tôi đang có, đều được tôi mua từ Internet trừ một số cuốn rất ít được tặng.
Và quan trọng hơn cả, nếu không có Internet, tất cả những bài viết của tôi vẫn đang nằm trên giấy mà không có một độc giả nào biết tới là một tác giả văn học, sẽ không có cuốn sách nào được in, không có bài nào được đăng báo, và không được ưu ái gọi bằng từ "nhà văn trẻ". Từ việc đăng bài lên mạng để được độc giả biết tới cho tới việc gửi bài đến tòa soạn, nhà xuất bản, tham gia cuộc thi viết cho tới việc liên hệ, nói chuyện với các nhà văn, nhà thơ, nhà báo đi trước. Và chắc chắn sẽ chẳng bao giờ có bài dự thi này bởi tôi còn thậm chí không biết đến nó.
Những gì tôi làm được hôm nay, những tác phẩm văn học được in và đón nhận, những mẫu mà tôi đã thiết kế, những kiến thức tôi học được, những bức tranh mà tôi đã thêu và cả niềm vui khi phần nào làm chủ được cuộc sống của mình, có những hi vọng, những ước mơ để theo đuổi cho tương lai, đều là nhờ có Internet và sự nỗ lực. Chính Internet đã mang đến cho tôi những cơ hội mà tôi tin là sẽ có rất nhiều người tìm được cơ hội khác ở hoàn cảnh khác phù hợp với họ để thấy rằng cuộc sống không bao giờ đóng cửa lại dẫu họ có hạn chế về khiếm khuyết hay học thức không thể học được ở trường.
Ngày hôm nay, Internet mang thế giới đến bên tôi, biết đâu một ngày nào đó, Internet sẽ mang tôi ra bên ngoài thế giới.
Hàn Băng Vũ
*Hàn Băng Vũ tên thật là Vương Thị Bích Việt, là tác giả cuốn Bản sao không hoàn hảo, tập truyện ngắn Chỉ là yêu thôi mà và một số cuốn in chung cùng với một số tác phẩm đăng trên báo và tạp chí.