Công suất phù hợp
Để chọn công suất điều hòa, người dùng cần dựa vào diện tích, thể tích không gian của phòng cần làm lạnh. Công thức chung để áp dụng là 600 BTU cho 1m2, trong đó BTU là đơn vị nhiệt của Anh, được dùng để đo công suất thiết bị sưởi hoặc làm lạnh. 9.000 BTU tương đương "1 ngựa", hay 1 HP. BTU cao hơn có nghĩa là khả năng làm mát nhiều hơn.
Bảng tính công suất lạnh theo diện tích phòng
Tuy nhiên, công suất làm lạnh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác ngoài diện tích phòng như vật liệu xây dựng, nguồn nhiệt tác động trực tiếp, số lượng người trong phòng, cửa sổ...
Vì vậy, mỗi loại phòng có thể áp dụng công thức khác nhau, thường có công suất lớn hơn tiêu chuẩn. Ví dụ, phòng có mặt ngoài bị nắng chiếu trực tiếp, phòng thông với phòng khác, phòng có quạt hút thông gió... cần cộng thêm 0,3 đến 0,5 HP. Phòng khách hay bếp nên cộng thêm 0,5 HP vì thường có nhiều người hoặc có nguồn nhiệt tỏa ra trực tiếp. Điều hòa cho quán cà phê hoặc nhà hàng, nơi đông người và thường xuyên mở cửa ra vào cần loại có công suất lớn. Khách sạn cho thuê phòng trong thời gian ngắn nên cần thiết bị có thể làm lạnh nhanh đáp ứng mong muốn của người sử dụng. Còn hầu hết văn phòng làm việc có số người ổn định và thường ngồi trong thời gian dài nên có thể tính tới những loại sử dụng cho phòng khách gia đình.
Bảng tính công suất điều hòa theo mục đích sử dụng
Tiết kiệm điện
Hiện có 2 dòng thiết bị là điều hòa thông thường sử dụng rơ-le cảm biến nhiệt và điều hòa ứng dụng công nghệ biến tần (Inverter), kiểm soát nhiệt độ thông qua bộ mạch điện tử vi xử lý.
Dòng máy Inverter thường được quảng cáo là tiết kiệm điện năng hơn. Tuy nhiên, điều đó chỉ xảy ra trong trường hợp thiết bị được chạy liên tục tầm 8 tiếng mỗi ngày và lượng điện tiêu thụ giảm đáng kể. Thử nghiệm của Samsung gần đây đã cho thấy giữa 2 máy inverter và không inverter, máy điều hòa inverter tiết kiệm 20% điện năng tiêu thụ mỗi tháng. Theo trang Thespruce, sau 8,4 tháng, có thể nói người dùng được hoàn vốn tiền điện để bù vào phần chênh lệch khi mua Inverter.
Người dùng có thể so sánh thông tin về Hiệu suất năng lượng (EER) của máy. EER được yêu cầu hiển thị trên máy điều hòa không khí hiện đại. Các đơn vị có xếp hạng EER cao hơn sử dụng ít năng lượng hơn.
Nguyên tắc hoạt động của máy điều hòa (Nguồn: YouTube)
Thương hiệu
Mỗi hãng sản xuất có ưu điểm riêng, từ kiểu dáng cho đến công nghệ đi kèm. Thương hiệu cũng phản ánh trực tiếp nơi sản xuất hoặc nước nhập khẩu của máy là Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, châu Âu hay Trung Quốc. Một số nhãn hiệu đã có tiếng trên thị trường về khả năng tiết kiệm điện, chạy êm dù không cần nhiều quảng cáo.
Người dùng nên lựa chọn thương hiệu theo sở thích, nhưng cũng nên chú ý tới giá thành chênh lệch giữa các nhãn. Một lời khuyên được nhiều người đưa ra là hãy thử máy lạnh ngay trong cửa hàng trước khi mua, để kiểm tra trước về độ ồn và khả năng sử dụng có dễ dàng hay không.
Tính năng, công nghệ
Tính năng chính của điều hòa là làm mát, điều hòa không khí. Tuy nhiên, mỗi loại máy mang thương hiệu khác nhau thường có những tính năng khác đi kèm như tiết kiệm năng lượng, lọc không khí, khử mùi, khử vi khuẩn, bảo vệ sức khỏe... Dòng máy Inverter còn có khả năng duy trì nhiệt độ phòng ổn định, tức người dùng không cảm thấy quá nóng hoặc quá lạnh trong quá trình sử dụng. Tính năng này rất thích hợp cho người nhạy cảm về nhiệt độ và cho trẻ sơ sinh. Thậm chí, một số hãng còn có các chế độ riêng cho từng trường hợp sử dụng để tiết kiệm điện cho người tiêu dùng. Ví dụ, máy điều hòa Samsung có chế độ Một người dùng (Single User Mode) giúp máy nén hoạt động ở công suất thấp hơn, giảm lượng điện tiêu thụ mà phòng vẫn mát lạnh; LG có chế độ đuổi muỗi; Daikin có cảm ứng mắt thần...
Lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng
Mỗi loại điều hòa có thiết kế và cách lặp đặt khác nhau, nếu không xử lý đúng kỹ thuật, máy sẽ hoạt động không tốt hoặc nhanh hư hỏng, thậm chí tiêu tốn điện năng gấp nhiều lần. Hãy chắc chắn kích thước máy phù hợp với cửa sổ, hoặc khu vực định lắp đặt. Nếu cần, hãy sử dụng dịch vụ lắp đặt đi kèm. Dù tốn thêm chi phí, người dùng có thể tiết kiệm thời gian, giảm chấn thương không đáng có khi tự lắp.
Thiết bị cũng cần vệ sinh, lau rửa linh kiện ít nhất 6 tháng một lần hoặc vào đầu mùa nóng để đảm bảo tuổi thọ cũng như tránh các rủi ro trong quá trình sử dụng.