Đinh Thu (Hà Nội) biết đến ứng dụng sau khi bạn bè trên mạng xã hội chia sẻ các tác phẩm được vẽ lại từ ảnh thật. Những bức ảnh hình người thật, qua ứng dụng biến thành nhân vật và bối cảnh trong truyện khiến cô thích thú.
Ứng dụng cô tải về có tên FacePlay - ứng dụng từng hot tại Việt Nam nhờ khả năng làm video hoán đổi khuôn mặt năm ngoái. Cuối tháng 11, app này rộ trở lại khi bổ sung tính năng AI Painting, được quảng cáo có thể vẽ các bức hình như trong truyện tranh. Trên các kho ứng dụng, từ đầu tháng 12, FacePlay nhiều lần lọt top những app được tải về nhiều nhất tại Việt Nam. Thu là một trong số đó.
"Điểm thú vị là có thể tự biến ảnh mình và bạn bè thành hình như trong truyện tranh sau vài giây. Nếu thuê người vẽ, chắc chắn không có giá đó và cũng rất lâu mới xong", Thu đánh giá.
Tuy nhiên FacePlay không có lựa chọn dùng thử hay các bộ lọc miễn phí. Ứng dụng yêu cầu người dùng phải đăng ký thuê bao, với các lựa chọn gói 57 nghìn đồng mỗi tuần hoặc 369 nghìn đồng một năm. Cô quyết định chọn gói nhỏ nhất để dùng trong một tuần. Tuy nhiên sau vài lần dùng thử, Thu hủy đăng ký và xóa app.
"Ứng dụng cung cấp khá nhiều lựa chọn phong cách vẽ, nhưng kết quả thu được không có nhiều khác biệt. Nhiều lần ứng dụng nhận diện sai bối cảnh. Nhưng chỉ khi đã trả tiền và dùng thử tôi mới biết", Thu nói.
Không chỉ FacePlay, xu hướng sử dụng các ứng dụng AI để vẽ hình rộ lên tại Việt Nam thời gian gần đây. Ở hạng mục Đồ họa và Thiết kế trên kho ứng dụng cho iOS, hàng loạt app gắn mác "AI" lọt top tải nhiều, như Dawm, Namesake, Wonder, AI Art... và được quảng cáo là sử dụng trí tuệ nhân tạo để biến ảnh người thật thành ảnh đồ họa. Phần lớn ứng dụng yêu cầu trả phí.
Lensa, ứng dụng AI gây sốt trên thế giới, cũng có giai đoạn nằm trong top ứng dụng được tải về nhiều nhất trên iOS tại Việt Nam. Ứng dụng do công ty Prisma phát hành, sử dụng công cụ mã nguồn mở Stable Diffusion.
Để sử dụng, người dùng được yêu cầu tải lên 10-20 ảnh của chính họ. Các thuật toán sẽ xử lý hình ảnh để cho ra một bộ ảnh chân dung giống như được vẽ bởi các họa sĩ nổi tiếng, theo nhiều phong cách như khoa học viễn tưởng, giả tưởng và phim hoạt hình. Người dùng cần bỏ ra từ vài chục đến hàng trăm nghìn đồng để mua các gói theo nhu cầu, trong đó cao nhất là 699 nghìn đồng để sử dụng một năm.
Theo báo cáo của Sensor Towers, trong 5 ngày đầu tháng 12, Lensa thu về 4 triệu lượt cài đặt và 8,2 triệu USD doanh thu từ những người muốn tạo ảnh bằng AI.
Bất cập của ứng dụng AI
Bên cạnh những ưu điểm như thời gian tạo ảnh nhanh, chi phí rẻ nếu so với họa sĩ vẽ, những ứng dụng AI cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dữ liệu cá nhân, hay hiệu quả không được như mong muốn.
Trong trường hợp của Đinh Thu, cô đánh giá ứng dụng còn sơ sài, nhiều lỗi, và "may mắn khi chỉ mua gói thấp nhất".
"Ứng dụng yêu cầu kết nối mạng và thường xuyên lỗi kết nối. Nhiều thành phần chưa được chuyển ngữ, vẫn sử dụng tiếng Trung. Hình do AI tạo nên mình không thể can thiệp dù kết quả nhiều lúc không như ý. Dù quảng cáo là sử dụng AI, làm thử hai lần đều cho ra cùng một kết quả", Thu đánh giá.
Ngoài ra với hình thức trả tiền thuê bao, ứng dụng tự động gia hạn và thu phí ngay cả khi người dùng không sử dụng. Trên App Store, nhiều người cũng để lại các đánh giá như: ứng dụng lỗi, ứng dụng yêu cầu trả tiền mới được dùng. Trên Play Store, ứng dụng này đạt 2,6 sao, với hàng loạt đánh giá xấu vì không cho dùng thử. Nhiều người dùng chia sẻ nhau cách để hủy gia hạn trên iOS và Android để tránh bị thu phí cho những kỳ tiếp theo.
Trong khi đó, Lensa, ứng dụng vẽ chân dung bằng AI phổ biến trên toàn cầu, bị đánh giá là nhấn mạnh quá mức vào một số bộ phận trên cơ thể phụ nữ, tạo ra bức hình khêu gợi, khác xa hình gốc, hoặc đổi màu mắt và hình dạng khuôn mặt để loại bỏ các đặc điểm nhận dạng chủng tộc hoặc sắc tộc.
Andrey Usoltsev, CEO và đồng sáng lập của Prisma Labs, thừa nhận một số vấn đề còn tồn tại trên Lensa. "Đúng là đôi khi AI này đã dùng ảnh từ người dùng tải lên để tạo ra nội dung 'lộ hàng' hoặc gợi dục", ông nói, đồng thời cho biết đã bổ sung tính năng xóa ảnh người dùng đã tải lên sau 24 tiếng.
Với các app yêu cầu gửi dữ liệu hình ảnh, người dùng còn đối mặt nguy cơ lộ dữ liệu cá nhân. Các ứng dụng đều yêu cầu quyền truy cập các thông tin như camera, album ảnh, kết nối mạng. Một số cần thông tin vị trí, ID thiết bị.
Theo CNBC, bất kỳ ứng dụng nào thu thập dữ liệu từ điện thoại đều có thể lấy dữ liệu riêng tư khác. Trong điều khoản dịch vụ, các ứng dụng thường mập mờ về việc truy cập hình ảnh và thông tin liên quan như địa điểm, thời gian... Điều này khiến các chuyên gia bảo mật lo ngại về quyền riêng tư và bản quyền của dữ liệu người dùng.
Theo Washington Post, một khía cạnh khác liên quan đến quyền riêng tư là việc các ứng dụng có thể bị khai thác để quấy rối, bằng cách tải ảnh người khác lên để AI đọc.
Lưu Quý