Trong bài chia sẻ trên tài khoản cá nhân, Zuckerberg kêu gọi việc áp dụng những chế tài nghiêm khắc hơn với những "nội dung xấu độc, ảnh hưởng đến quyền riêng tư".
"Tôi tin chính phủ và các nhà làm luật cần một vai trò chủ động hơn", ông viết. "Bằng việc cập nhật luật lệ cho Internet, chúng ta có thể bảo tồn những gì tốt đẹp nhất của nó - sự tự do cho mọi người thể hiện bản thân và cho các doanh nhân xây dựng những điều mới mẻ - trong khi vẫn bảo vệ xã hội khỏi điều xấu", CEO Facebook nhấn mạnh.
Zuckerberg nêu bốn vấn đề nên được áp dụng những luật nghiêm ngặt hơn trên mạng. Thứ nhất là nội dung xấu độc. Ông đề xuất một cơ quan bên thứ ba đưa ra những tiêu chuẩn kiểm soát nội dung độc hại, cũng như giám sát các công ty trong việc thực hiện các tiêu chuẩn đó.
Thứ hai là bảo vệ tính toàn vẹn của các cuộc bầu cử, tức cần những chính sách, điều chỉnh cho những quảng cáo mang tính chính trị, để người xem biết đơn vị quảng cáo đang đứng sau chiến dịch tranh cử của ứng viên nào...
Thứ ba là quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu. CEO Facebook cho rằng Internet sẽ trở nên tốt hơn nếu nhiều nước áp dụng những luật tương đồng với Luật bảo vệ dữ liệu chung của EU (GDPR). Luật này cho phép người sử dụng biết dữ liệu của họ được chia sẻ đi những đâu và được sử dụng cho mục đích gì.
Cuối cùng là tính di động của dữ liệu. Nếu người dùng chia sẻ dữ liệu với một dịch vụ, họ có thể dễ dàng chuyển dữ liệu đó sang một dịch vụ khác, từ đó có thêm nhiều lựa chọn trong việc sử dụng, trong khi các nhà phát triển cũng có "đất" để sáng tạo hơn.
Lời kêu gọi này xuất hiện đúng lúc Facebook đang bị điều tra vì chia sẻ dữ liệu người dùng khi chưa được phép với hàng loạt công ty công nghệ lớn trên toàn cầu. Ủy ban Thương mại Mỹ được cho là sẽ đưa ra một khoản tiền phạt kỷ lục với Facebook. Các cơ quan luật pháp châu Âu cũng đang gây sức ép lên mạng xã hội này.
Facebook cũng đang bị lên án khi không kịp thời ngăn chặn hành động phát trực tiếp vụ xả súng khiến 50 người chết ở New Zealand. Nền tảng này cũng liên tiếp đối mặt với các scandal liên quan tới dữ liệu người dùng trong suốt năm 2018, cũng như phải đối phó với vấn nạn tin giả hoành hành, được cho là có tác động tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.