Ngày 1/9, Reuters cho biết các công tố viên liên bang đã yêu cầu sàn Binance tự nguyện giao các tin nhắn từ CZ cùng 12 giám đốc điều hành và các đối tác khác liên quan đến các giao dịch và việc phát triển người dùng tại Mỹ.
Hồ sơ của Bộ Tư pháp cũng đề cập việc công ty này hướng dẫn "hủy tài liệu, thay đổi hoặc xóa thông tin khỏi hệ thống Binance". Những nội dung "được chuyển đi từ Mỹ" của Binance cũng bị cơ quan chức năng nhắm tới.
Các nguồn tin cho biết cuộc điều tra đã bắt đầu từ tháng 12/2020 và vẫn đang diễn ra. Hai nội dung chính được xem xét là Binance có tuân thủ luật chống tội phạm tài chính của Mỹ và hoạt động của công ty có vi phạm Đạo luật Bảo mật Ngân hàng hay không.
Binance cũng được yêu cầu cung cấp thông tin về bất kỳ giao dịch nào giữa sàn và người dùng liên quan đến mã độc tống tiền, khủng bố và thị trường darknet, cùng những mục tiêu bị trừng phạt của Mỹ.
Các sàn giao dịch tiền điện tử phải đăng ký với Bộ Tài chính Mỹ và tuân thủ các quy định chống rửa tiền nếu tiến hành hoạt động kinh doanh đáng kể ở Mỹ. Luật này được thiết kế để bảo vệ hệ thống tài chính Mỹ khỏi nguồn tài chính bất hợp pháp, những người vi phạm có thể bị phạt tù lên đến 10 năm.
Cả CZ và các nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực tiền mã hóa đều chưa đưa ra phản hồi chính thức về thông tin trên. Trong khi đó, Giám đốc truyền thông Binance Patrick Hillmann nói: "Các cơ quan quản lý trên toàn cầu đang liên hệ với mọi sàn giao dịch tiền điện tử lớn để hiểu rõ hơn về ngành này. Đây là một quy trình tiêu chuẩn cho bất kỳ tổ chức được quản lý nào và chúng tôi thường xuyên làm việc với các cơ quan chức năng để giải quyết bất kỳ câu hỏi nào của họ".
Binance cho biết họ có đội ngũ bảo mật lên đến hơn 500 nhân viên và luôn tuân thủ quy định an ninh hàng đầu trong ngành. Tuy nhiên, Hillmann không bình luận về yêu cầu của Bộ Tư pháp Mỹ nhắm đến CZ, CEO Binance.
Trong một tài liệu Bloomberg tiếp cận được, phát ngôn viên của Binance nói: "Chúng tôi luôn coi trọng việc tuôn thủ pháp lý và hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật".
Binance được sáng lập bởi tỷ phú Changpeng Zhao tại Thượng Hải năm 2017. Tính đến tháng 7, Binance đã chiếm hơn một nửa khối lượng giao dịch tiền mã hóa trên toàn cầu, mỗi tháng xử lý trung bình các giao dịch trị giá hơn 2 nghìn tỷ USD.
Theo Reuters, một lỗ hổng của Binace cho phép tội phạm rửa tiền bất hợp pháp 2,35 tỷ USD thông qua sàn giao dịch. Cho đến giữa 2021, bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, người dùng Iran vẫn có thể giao dịch tiền điện tử chỉ bằng cách đăng ký với một địa chỉ email.
Tuy nhiên, Binance đã phản bác phát hiện này của Reuters và gọi chúng "lỗi thời". Sàn giao dịch này cho biết đang thúc đẩy các tiêu chuẩn cao hơn trong ngành để cải thiện khả năng nhận biết các hoạt động giao dịch tiền điện tử bất hợp pháp.
Các sàn giao dịch tiền điện tử đang bị giám sát ngày càng nhiều ở Mỹ. Tháng 2, Bộ Tư pháp đã thành lập một nhóm thực thi tiền điện tử quốc gia để giải quyết vấn đề gia tăng của tội phạm liên quan đến các công nghệ này.
Tháng này, người đồng sáng lập sàn giao dịch BitMEX đã nhận tội vi phạm Đạo luật Bảo mật Ngân hàng và sau đó bị kết án 2,5 năm. BitMEX cũng đồng ý trả khoản tiền phạt 100 triệu USD để giải quyết các khoản phí riêng do vi phạm.
Trong khi đó, từ năm ngoái, hơn 10 cơ quan quản lý tài chính trên khắp thế giới đã đưa ra cảnh báo về Binance. Nền tảng bị cáo buộc đang phục vụ người dùng không có giấy phép hoặc vi phạm các quy tắc chống rửa tiền. Vào tháng 7, ngân hàng trung ương Hà Lan phạt Binance hơn 3 triệu euro vì vi phạm luật tội phạm tài chính. Khi đó, phát ngôn viên của Binance cho biết khoản phạt đánh dấu một "bước ngoặt trong sự hợp tác liên tục của chúng tôi" với ngân hàng trung ương.
Khương Nha