"Tôi nghĩ ngày nay mọi người có nhiều lựa chọn, nếu muốn tính năng sideload và thấy điều đó quan trọng với bạn, bạn có thể mua điện thoại Android. Theo quan điểm của tôi, điều đó giống như một nhà sản xuất ôtô nói với khách hàng rằng không nên đặt túi khí và dây an toàn trong xe. Nó quá mạo hiểm. Vì vậy, sẽ không còn là iPhone nếu nó không đảm bảo tối đa tính bảo mật và quyền riêng tư", Tim Cook, CEO Apple, nói tại hội nghị DealBook do New York Times tổ chức tuần này.
Sideload là tính năng cho phép người dùng tải và cài đặt phần mềm từ nguồn bên ngoài thay vì thông qua kho ứng dụng. Trên điện thoại Android, người dùng có thể thoải mái thực hiện điều này bằng cách tải từ trình duyệt, sao chép tập in qua kết nối máy tính... Trong khi đó, iPhone yêu cầu mọi phần mềm cần được cấp phép qua kho App Store.
Đầu tuần này, Craig Federighi, Phó chủ tịch cấp cao về kỹ thuật phần mềm của Apple, cũng ví tính năng sideload là "bạn tốt của tội phạm mạng". Có quá nhiều mối nguy hiểm có thể xảy đến với khách hàng nếu được cung cấp quyền tự do cài đặt ứng dụng từ mọi nơi trên Internet.
Trong báo cáo cuối tháng 10, Apple chia sẻ một số nghiên cứu cho thấy điện thoại Android bị phần mềm độc hại tấn công nhiều hơn từ 15 đến 47 lần so với iPhone. "Điều này có liên quan chặt chẽ đến tính năng sideload", Apple nhấn mạnh.
Tháng trước, Margrethe Vestager, Giám đốc chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU), đã đề xuất bộ quy tắc nhằm kiềm chế các hãng công nghệ lớn là Apple, Amazon, Facebook và Alphabet - công ty mẹ của Google. Trong đó, Apple được yêu cầu mở cửa hệ thống iOS để người dùng cài đặt phần mềm bên ngoài kho ứng dụng của hãng, tức hỗ trợ sideload. Apple lập tức phản ứng rằng hành động này sẽ tiếp tay cho tội phạm mạng tiếp cận nhiều người dùng hơn thông qua các ứng dụng có hại.
Các quy tắc do Vestager đề xuất sẽ cần được các nhà lập pháp và các nước EU phê duyệt trước khi có thể trở thành luật, dự kiến vào năm 2023.
Ngoài vấn đề cài đặt phần mềm, CEO Apple cũng được hỏi về App Tracking Transparency. Tính năng này cho phép thiết bị iOS tắt các phần mềm ghi lại lịch sử truy cập, từ đó chặn nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo theo dõi hành vi người dùng.
Theo thống kê của Financial Times, App Tracking Transparency khiến 4 mạng xã hội lớn là Snapchat, Facebook, Twitter và YouTube tổn thất gần 10 tỷ USD.
"Tôi không biết ước tính về con số, vì vậy tôi không thể phát xét các con số đó", Cook trả lời khi được hỏi về báo cáo trên. "Quyền riêng tư là quyền cơ bản của con người. Mọi người có quyền quyết định có chia sẻ dữ liệu hay không. Những gì chúng tôi làm là đặt quyền lực vào tay người dùng. Chúng tôi không đưa ra quyết định, chỉ đơn giản nhắc họ có muốn bị theo dõi trên ứng dụng hay không. Và tất nhiên, nhiều người chọn không. Họ chưa bao giờ muốn như vậy, chỉ là trước đây họ không có lựa chọn".
Tuy vậy, hãng cũng vấp phải nhiều chỉ trích liên quan đến sự độc quyền trên kho ứng dụng App Store. Các nhà phát triển buộc phải chia cho Apple 15-30% hoa hồng từ các giao dịch thực hiện trên ứng dụng. Từ tháng 9, Hàn Quốc thông qua luật cấm các công ty sở hữu kho ứng dụng đòi hỏi nhà phát triển phải dùng hệ thống thanh toán độc quyền của họ. Có nghĩa, nhà phát triển ứng dụng tại Hàn Quốc được quyền chọn bên thứ ba, thay vì Apple và Google, trong việc thanh toán.