Markus Donsbach, Giám đốc CNTT của Liên đoàn thành phố bang Rheinland Pfalz, cho biết tất cả thành viên trong liên đoàn đang rất quan tâm đến việc dùng Linux khi mà hợp đồng sử dụng các sản phẩm của Microsoft sẽ hết hạn vào đầu năm tới. 9 thành phố nói trên bao gồm Alzey, Kaiserslautern, Koblenz, Landau, Mainz, Neustadt, Speyer, Trier và Worms.
Hiện nay, Schwäbisch Hall, một thành phố nhỏ với 36.000 dân, đã quyết định xây dựng toàn bộ cơ sở hạ tầng CNTT của mình trên nền Linux, trong khi Munich, thủ phủ bang Bavaria, cũng đã đưa hệ điều hành mã mở này cùng nhiều ứng dụng văn phòng liên quan khác vào 14.000 máy tính tại các cơ quan chính quyền.
Nguyên nhân chính của xu hướng chuyển sang dùng Linux tại Đức chủ yếu là do tình hình ngân sách cho CNTT ngày càng eo hẹp khi mà chi phí để được cấp phép sử dụng các sản phẩm của Microsoft còn khá cao. Lý do thứ hai khiến 9 thành phố trên quyết định chia tay với hãng phần mềm khổng lồ để chuyển sang các sản phẩm mã mở là việc thiếu sự hỗ trợ kỹ thuật đối với một số chương trình, chẳng hạn như Win NT - hệ điều hành vẫn đang được sử dụng rộng rãi tại hầu hết văn phòng chính quyền các thành phố. Một nguyên nhân khác của xu hướng “Linux hoá” tại Đức là việc sử dụng ngày càng nhiều phần mềm do các công ty trong nước sản xuất đã đặt ra nhu cầu về một hệ điều hành mã mở.
Do rất muốn duy trì vị trí của mình trong thị trường phần mềm phục vụ khối văn phòng chính quyền và doanh nghiệp tại đất nước có nền kinh tế thuộc loại mạnh nhất châu Âu này, Microsoft đã tỏ ý sẵn sàng điều chỉnh lại hệ thống giá thành của hệ điều hành Windows cũng như nhiều chương trình ứng dụng khác. Tháng 4, Bộ Nội chính Đức đã ký một hợp đồng cấp phép sử dụng với Microsoft để được hưởng những điều kiện ưu đãi trong việc mua và thuê phần mềm của nhà sản xuất Mỹ. Theo cơ quan này, thoả thuận nói trên có thể tiết kiệm cho chính quyền trung ương và các bang một khoản tiền “đáng kể”.
Phan Khương (theo InfoWorld)