Triển lãm An ninh Công cộng Trung Quốc (CPSE) lần thứ 17 đã khai mạc đầu tuần tại Thâm Quyến, thu hút khách tham dự đến từ 150 quốc gia và khu vực. Trong khuôn viên rộng 110.000 mét vuông, khách tham quan có thể thấy hàng loạt camera với mọi kích cỡ, cùng màn hình bên cạnh hiển thị các thông tin của người đang được quay như giới tính, độ tuổi ước tính hay thậm chí là trạng thái cảm xúc. Một màn hình khác phát trực tiếp video truyền từ camera gài trên trang phục của người mẫu.
Đầu tháng 10, Tổng thống Mỹ Donald Trump phê duyệt Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2019, cấm các cơ quan liên bang trang bị camera an ninh của các công ty Trung Quốc như Hikvision, Dahua... vì lo ngại rủi ro đối với an ninh quốc gia. Ngoài ra, bản danh sách đen thương mại cũng có tên của một số công ty nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) như SenseTime, Megvii, Yitu và iFlyTek.
Theo SCMP, thông tin về lệnh cấm không được nhắc tới trong bốn ngày diễn ra triển lãm. Các công ty không đề cập tới việc họ có tên trong danh sách đen trong các buổi giới thiệu sản phẩm, bài phát biểu, thuyết trình hay thảo luận bàn tròn.
SCMP đã trao đổi với 5 công ty nằm trong danh sách và những công ty này tin rằng nhà sản xuất vi xử lý HiSilicon có khả năng đáp ứng hầu hết nhu cầu linh kiện bán dẫn ở Trung Quốc. Tuy nhiên, Hisilicon thiết kế vi xử lý dựa vào phần mềm của Mỹ và chế tạo đĩa bán dẫn (wafer) bằng thiết bị tiên tiến của Mỹ.
Một tuần sau khi lệnh cấm của chính phủ Mỹ có hiệu lực, Huang Fanghong, Phó chủ tịch cấp cao của Hikvision, cam kết với các nhà đầu tư rằng họ đã nối lại thỏa thuận với một số đối tác Mỹ, do nguồn gốc hàng hóa không hoàn toàn từ Mỹ. Các nhà sản xuất vi xử lý như Intel, Nvidia, Seagate và Western Digital hiện là đối tác chiến lược của Hikvision, theo IPVM.
Lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào ZTE năm 2018 và Huawei vào tháng 5/2019 đã khiến các công ty Trung Quốc cảnh giác hơn, đẩy nhanh kế hoạch dự phòng. Báo cáo quý III/2019 của Hikvison cho thấy, lượng hàng tồn kho của công ty trong 9 tháng đầu năm đã tăng 70%, chủ yếu do dự trữ thành phần và linh kiện quan trọng. Trong khi đó, SenseTime đang nghiên cứu và phát triển hệ thống AI có thể tự học và suy luận cho mục đích riêng.
Yin Qi, nhà đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Megvii, cho biết họ đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự thiếu hụt nguồn cung ứng linh kiện từ tháng 5. "Tác động cụ thể là chúng tôi không thể mua trực tiếp các sản phẩm trong danh sách hạn chế xuất khẩu của Mỹ, như máy chủ x86 và bộ vi xử lý đồ họa (GPU)", ông Qi nói.
Ngành công nghiệp camera an ninh Trung Quốc nắm bắt cơ hội bứt phá sau vụ tấn công khủng bố 11/9 tại Mỹ và tham vọng của Bắc Kinh nhằm xây dựng mạng lưới giám sát khổng lồ. Mỗi năm, các công ty Trung Quốc xuất xưởng hàng triệu camera dùng trong hệ thống giám sát và theo dõi sự cố ở trong và ngoài nước, các hệ thống an ninh tư nhân và công cộng như nhà ga hay sân bay...
Theo số liệu của Comparitech, Trung Quốc có tới 8 trong danh sách 10 thành phố bị giám sát nghiêm ngặt nhất thế giới. IDC thống kê Trung Quốc lắp khoảng 176 triệu camera an ninh hoạt động vào năm 2016. Dự kiến đến năm 2022, con số này đạt 2,76 tỷ thiết bị, gần gấp đôi dân số của quốc gia này (1,4 tỷ người).
Tuy nhiên, sự kiểm soát chặt chẽ của Bắc Kinh ở một số vùng bị các tổ chức nhân quyền và chính phủ phương Tây chỉ trích gay gắt. "Vai trò của các công ty công nghệ giám sát Trung Quốc đóng góp vào hoạt động đó đã khiến họ bị dò xét", SCMP viết.
"Một số khách hàng còn chần chừ. Họ muốn biết điều gì sẽ xảy ra với các công ty Trung Quốc khi phải đối mặt với lệnh trừng phạt rồi mới quyết định hợp tác hay không", ông Huang nói.
Việt Anh (theo SCMP)