Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức một diễn đàn có quy mô quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ. Hơn 1.000 khách mời là đại diện Chính phủ, doanh nghiệp hàng đầu sẽ quy tụ vào ngày 9/5 tại Hà Nội nhằm đưa ra các sáng kiến, ý tưởng theo định hướng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ.
Trong buổi họp báo trước thềm Diễn đàn chiều 6/5 ở Hà Nội, khẩu hiệu "Make in Vietnam" thu hút nhiều sự chú ý của những người tham gia. Cụm từ này cũng từng gây nhiều tranh cãi từ cuối năm ngoái khi xuất hiện trong Diễn đàn CNTT-TT Việt Nam - Myanmar giữa tháng 12/2018. Tới tháng 1/2019, "Make in Vietnam" tiếp tục trở thành chủ đề của Triển lãm công nghệ, công nghiệp ICT Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Thông tin và Truyền thông.
Khi đó, rất nhiều người dùng mạng xã hội cho rằng khẩu hiểu bị viết sai chính tả, sai ngữ pháp tiếng Anh... Khi tra Google cụm từ "make in" sẽ chỉ thấy kết quả của "Make in India" - một sáng kiến quốc gia được chính phủ Ấn Độ khởi xướng từ tháng 9/2014 với mục tiêu biến Ấn Độ thành một trung tâm sản xuất toàn cầu, khuyến khích các công ty nội địa và nước ngoài sản xuất sản phẩm của họ ngay tại Ấn Độ.
Chia sẻ trong cuộc họp báo, bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ TTTT) cho biết từ cuối 2018, Bộ đã tính tới việc phải có một slogan cho ngành công nghiệp ICT nước nhà. Khi đó, có nhiều phương án được đề xuất, như học tập của Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan với các mô hình phát triển như: Made in Japan, Make in India...
"Sau khi cân nhắc, chúng tôi mạnh dạn đề xuất thông điệp Make in Vietnam. 'Make in Vietnam' ở đây nếu lần đầu nghe sẽ khiến nhiều người có cảm giác có gì đó sai sai, nhưng cũng chính vì thế mà nó tạo hiệu ứng truyền thông. Vì cảm thấy sai, mọi người sẽ phải đọc lại và suy ngẫm", bà Hương giải thích. "Cụm từ Made in Vietnam mang tính là 'sản xuất ở Việt Nam', không có sự chủ động, chia theo thể bị động. Còn Make in Vietnam - 'Làm tại Việt Nam' sẽ hàm nghĩa người Việt Nam chủ động, sáng tạo, thiết kế, tích hợp sản phẩm tại Việt Nam và phát triển, đóng góp vào công nghệ, phát triển cộng đồng công nghệ".
Đến năm 2020, Chính phủ đặt mục tiêu có khoảng 100.000 doanh nghiệp công nghệ, đưa Việt Nam lọt top 30 cường quốc về công nghệ thông tin. "Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm công nghiệp rẻ, tại chỗ, 'hóa rồng' về công nghệ như Hàn Quốc, Đài Loan. Nhưng không dễ để tìm ra những giải pháp có sẵn trên thế giới. Chỉ chúng ta mới hiểu rõ bài toán của chính mình", ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, phát biểu tại họp báo Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, với sự tham gia và chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Báo VnExpress phối hợp tổ chức. Nội dung diễn đàn sẽ được livestream trên VnExpress và Fanpage VnExpress. Chương trình có sự đồng hành của Công ty Cổ phần VNG, Be Group, VCCorp, VSmart, Tập đoàn CMC, MISA, SaigonTourist, MK Group. |