Công ty công nghệ Việt Nam sử dụng mặt nạ in 3D với chi phí khoảng 200 USD. Trong đó, phần mặt làm bằng bột đá thay cho băng dính giấy còn đôi mắt 2D được in từ ảnh chụp hồng ngoại - công nghệ mà Face ID dùng để ghi hình ảnh khuôn mặt.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó chủ tịch Bkav, đã reset (thiết lập lại) iPhone X để điện thoại lưu khuôn mặt ông, sau đó đưa máy ra trước chiếc mặt nạ mới. iPhone X đã nhận diện cả ông Tuấn Anh lẫn mặt nạ ngay lập tức.
Theo tạp chí Forbes, ở nghiên cứu đầu tiên, Bkav không trình diễn được cả quá trình nên không ít người tỏ ra hoài nghi. Còn lần này, video mà công ty đưa ra đã thuyết phục hơn nhiều.
Chiếc mặt nạ hoạt động giống như trong các video anh em sinh đôi có thể cùng mở khoá iPhone X. Trong lễ công bố hồi tháng 9, Apple cho biết đã làm việc với các chuyên gia hóa trang của Hollywood để giúp công nghệ bảo mật Face ID phân biệt được mặt nạ và không mở khoá điện thoại. Một số cá nhân, tổ chức, trong đó có tạp chí Wired, đã thử tạo ra những mặt nạ tốn cả nghìn USD nhưng cũng không qua mặt được Face ID trên iPhone X.
"Điều chúng ta vẫn chưa biết là họ đã bỏ bao nhiêu công sức để tạo một chiếc mặt nạ khớp với khuôn mặt. Họ đã chứng minh được Face ID không hoàn toàn đáng tin cậy, nhưng đó chưa phải mối nguy mà chúng ta cần lo lắng trong cuộc sống hàng ngày", Giáo sư Alan Woodward thuộc Đại học Surrey (Anh) nhận định trên Forbes.
Trong khi đó, Bkav cho rằng việc tạo hình 3D không quá khó. Một người có thể bị chụp trộm chỉ trong vài giây khi vào một căn phòng bố trí sẵn hệ thống máy ảnh ở nhiều góc khác nhau. Sau đó, thuật toán sẽ ghép các ảnh này thành vật thể 3D.
Ngày 15/11, Bkav tuyên bố Face ID bị đánh bại bởi mặt nạ, nhưng cần khoảng 9 đến 10 tiếng để có thể đánh lừa AI của iPhone X. Dựa vào nguyên lý gốc này, họ tạo ra phiên bản mặt nạ thứ hai dễ dàng mở khoá iPhone X. Bkav cho rằng Apple cần khuyến cáo người dùng iPhone X nên dùng mật khẩu cho mọi tình huống có dữ liệu nhạy cảm và khi thực hiện các giao dịch thương mại.