Đại dịch Covid-19 đã buộc các công ty công nghệ chuyển lực lượng lao động tại văn phòng sang làm việc từ xa trong nhiều tháng liên tục. Vì nhiều người trong số họ đang sống ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng cao, không ít công ty đã ra thông báo về kế hoạch quay lại văn phòng vào mùa hè này.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thích thú với thông tin đó. Nhiều người không muốn quay lại văn phòng làm toàn thời gian, ngay cả khi họ có thể làm vậy vài ngày một tuần. Người lao động thậm chí còn chỉ ra mức độ làm việc hiệu quả khi làm việc từ xa và sử dụng nó để đặt câu hỏi tại sao họ phải sống ở những thành phố đắt đỏ, nơi đặt các văn phòng này.
Một số nhà lãnh đạo công nghệ, như Jack Dorsey của Twitter, nhất trí với mong muốn này. Không ít công ty đã ban hành các thay đổi vĩnh viễn hoặc tạm thời đối với các chính sách làm việc từ xa một phần hoặc thậm chí toàn thời gian trở thành tiêu chuẩn. Những lãnh đạo khác, như Tim Cook của Apple, ngược lại đang nỗ lực tìm cách đưa nhân viên trở lại văn phòng càng sớm càng tốt, bất chấp sự phản kháng có tổ chức.
Không phải xu hướng mới
Viễn cảnh về một tương lai làm việc tại nhà từ lâu đã được rao giảng bởi các nhà quản lý tận tâm ở Thung lũng Silicon và các trung tâm khởi nghiệp công nghệ khác. Những người có ảnh hưởng, nhà văn và chuyên gia tư vấn kinh doanh trong nhiều năm đã dự đoán rằng, nhờ công nghệ, làm việc trực tiếp tại văn phòng sẽ là dĩ vãng.
Những người ủng hộ lập luận rằng không có lý do rõ ràng nào để phản đối làm việc từ xa bên cạnh một số lo ngại về kiểm soát quản lý. Và để chứng minh cho lập luận này, họ chỉ ra các nghiên cứu cho thấy một số nhân viên trong một số loại hình công việc nhất định cảm thấy vui vẻ và năng suất hơn khi làm việc từ xa. Các nghiên cứu cũng loại bỏ giả định rằng năng suất luôn thấp hơn khi làm việc từ xa là băt buộc.
Phong trào làm việc online tại nhà trở thành "cơn sốt" vào cuối những năm 2000, khi sự lạc quan về công nghệ đang lan rộng khắp thế giới và một số giám đốc trong làn sóng khởi nghiệp mới dường như rất thích ý tưởng này. Tuy nhiên, làm việc từ xa đã phải đối mặt với những thất bại đáng kể. Đáng chú ý là Yahoo vào đầu những năm 2010 đã yêu cầu tất cả nhân viên làm việc từ xa phải đến văn phòng và xuất hiện tại bàn làm việc được chỉ định.
Kể từ đó, phong trào làm việc từ xa rơi vào trầm lắng.
Các công ty như Google hoặc Twitter từng cho phép nhân viên làm việc tại nhà theo định kỳ khi có nhu cầu, ví dụ: chăm sóc con ốm hoặc thậm chí để cải thiện sức khỏe tâm thần. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, văn hóa công ty quy định người lao động không nên làm việc từ xa quá thường xuyên. Làm việc từ xa là một đặc quyền, không phải là một nghĩa vụ và nhân viên thường không thể di chuyển ra khỏi phạm thành phố nơi các công ty này đặt trụ sở.
Khi giá nhà đất tăng chóng mặt và tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày càng trở nên tồi tệ ở các thành phố như San Francisco, Seattle, Los Angeles và Austin, các nhà bình luận nổi tiếng nói rằng: "Có thể một số những vấn đề này sẽ được giảm bớt nếu các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cởi mở hơn với công việc từ xa. Nhưng tầm nhìn cấp tiến về phong trào này dường như đã chết".
Và rồi đại dịch xảy ra.
Từ đặc quyền thành nghĩa vụ
Các công ty, trước kia từng tuyên bố làm việc từ xa sẽ không bao giờ hiệu quả, giờ không còn lựa chọn nào khác. Trong các doanh nghiệp truyền thống, phong trào chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu. Và ở một số công ty khởi nghiệp công nghệ, quá trình chuyển đổi diễn ra liền mạch đến mức nhiều nhân viên tự hỏi tại sao tất cả những điều này chưa được thử trước đây.
Tất nhiên, vẫn có những ngoại lệ ở một số ngành nghề cụ thể. Ví dụ, các studio phát triển game lớn đã phải vật lộn để duy trì mức năng suất trước đây theo cách làm việc từ xa mới, dẫn đến sự chậm trễ hoặc giảm chất lượng đối với một số bản phát hành.
Giữa mối đe dọa của đại dịch ở các thành phố đông đúc và giá nhà ở cao ngất ngưởng ở các trung tâm công nghệ, nhiều người lao động gần đây bắt đầu lên kế hoạch di cư khỏi Vùng Vịnh để tận hưởng đồng cỏ xanh, sinh hoạt phí rẻ hơn, nhưng với hy vọng vẫn có thể giữ được mức lương cao.
Theo dữ liệu của Glassdoor, mức lương trung bình của kỹ sư phần mềm tại "điểm nóng" công nghệ cao San Jose, California, là 137.907 USD. Con số đó thậm chí không đủ để thực hiện hóa giấc mơ Mỹ ở Vùng Vịnh. Nhưng nếu kỹ sư đó chuyển đến St. Louis hoặc Tucson với cùng mức lương, anh ấy có thể sống như hoàng gia.
Nội bộ Apple chia rẽ
Rất ít công ty công nghệ xảy ra tranh cãi về vấn đề làm việc từ xa nhiều như Apple. Mặc dù nhân viên tại trụ sở chính Cupertino và các nơi khác chủ yếu làm việc tại nhà trong suốt phần lớn năm 2020, CEO Tim Cook đã gửi email cho nhân viên vào đầu tháng 6 cho biết một thay đổi chính sách sắp diễn ra.
Nhân viên sẽ được yêu cầu trở lại văn phòng ít nhất ba ngày mỗi tuần bắt đầu từ tháng 9. Họ vẫn có thể hoàn toàn làm việc từ xa trong tối đa hai tuần mỗi năm, miễn là thông báo và được sự chấp thuận của ban quản lý.
Các nhân viên sau đó đã thực hiện một cuộc khảo sát nội bộ với kết quả khác xa mong muốn của Cook. Theo báo cáo của The Verge, 99% trong số 1.749 người được hỏi cho biết họ "hoàn toàn đồng ý" rằng "các lựa chọn làm việc linh hoạt theo vị trí là một vấn đề rất quan trọng đối với tôi." Các nhân viên đã viết một lá thư cho Cook yêu cầu ông suy nghĩ lại về chính sách mới. 68% đồng ý rằng "sự thiếu linh hoạt về công việc có thể sẽ khiến họ rời khỏi Apple".
Các giám đốc điều hành của Apple đã không lùi bước trước kế hoạch của họ. Sự thay đổi đã dẫn đến xáo trộn trong ngành công nghiệp khổng lồ, với các nhân viên lâu năm cam kết nghỉ việc sau khi bắt buộc phải quay lại văn phòng. Một số người lao động tiết lộ ban lãnh đạo Apple đã bắt đầu từ chối các yêu cầu làm việc từ xa nhiều hơn mức bình thường.
Một số nhân viên khác của Apple đã viết thư đề nghị các chính sách làm việc từ xa thoáng hơn để đổi lấy một giải pháp rằng nhân viên ở các thành phố có chi phí sinh hoạt thấp hơn sẽ chấp nhận mức lương thấp hơn tương ứng. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn khiến các nhân viên khác tức giận, những người này cho rằng Apple có thể đủ khả năng trả cho họ một mức lương cạnh tranh bất kể nơi họ chọn chuyển đến sau đại dịch.
Trì hoãn vì biến thể delta
Nhưng giờ đây, cuộc chiến làm việc từ xa tại các công ty như Apple có vẻ sẽ còn kéo dài. Sự lạc quan ban đầu của mùa hè về khả năng trở lại bình thường đã giảm dần trong toàn ngành. Trước sự lây lan nhanh chóng của biến thể delta và một lượng lớn người dân chưa được tiêm chủng, bang California đã tái áp đặt khuyến nghị đeo khẩu trang trong nhà ngay cả đối với cả những người đã được tiêm chủng, bởi vì các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngay cả những người được tiêm phòng có vẻ khỏe mạnh cũng có thể lây lan chủng delta chết người cho những người dễ bị tổn thương chưa được tiêm chủng. Sự thay đổi của California ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều công ty công nghệ.
Apple đã thúc đẩy kế hoạch trở lại văn phòng của mình trong bối cảnh bất ổn nội bộ và những lo ngại về sức khỏe ngày càng gia tăng. Khung thời gian được cho là đã chuyển từ tháng 9 sang tháng 10 và khả năng cao sẽ bị lùi lại xa hơn nữa.
Tuần này, Twitter cũng thông báo sẽ đóng cửa các văn phòng ở Mỹ từng được mở lại một phần gần đây. Trong khi đó, Google mở rộng chính sách làm việc tại nhà hiện tại của mình đến giữa tháng 10 và Lyft hoãn kế hoạch trở lại văn phòng cho đến hết tháng 2 năm sau.
Ngoài ra, một số công ty công nghệ lớn đang yêu cầu một số hoặc tất cả nhân viên phải tiêm phòng để trở lại văn phòng, bao gồm Lyft, Google và Facebook. Và ngay cả ở những công ty chưa công bố bất kỳ yêu cầu tiêm chủng nào, như Apple, nhân viên cũng được yêu cầu điền vào đơn khảo sát tình trạng tiêm chủng.
Những công ty khác như Microsoft đang thúc đẩy nhân viên trở lại, bất chấp những cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh. Mặc dù vậy, Microsoft nhìn chung đã chủ động hơn Apple trong việc hỗ trợ người lao động hình thức làm việc kết hợp về lâu dài.
Đăng Thiên (theo Ars Technica)