Mono Store là cửa hàng chuyên biệt, chỉ bán sản phẩm Apple, được hãng trực tiếp thiết kế, đầu tư và được ví như Apple Store thu nhỏ. Có hai loại Mono Store là AAR (Apple Authorized Reseller) với diện tích tối thiểu 50 m2 và APR (Apple Premium Reseller) diện tích khoảng 180-220 m2.
"Các quốc gia phát triển có nhiều Apple Store, nhưng Việt Nam và nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á vẫn chưa có. Trong khi đó, lượng người dùng thiết bị Apple trong nước ngày một lớn. Do đó, chúng tôi mở chuỗi TopZone để người dùng có thể trải nghiệm không gian mua sắm đúng chuẩn Apple", ông Đoàn Hiểu Em, CEO Thế giới Di động, chia sẻ.
Còn theo đại diện FPT Shop, thị trường Việt Nam có tiềm năng rất lớn, Ngành hàng Apple luôn tăng trưởng ở mức hai con số mỗi năm. Vì vậy, việc có nhiều hệ thống tham gia chuỗi Mono Store là điều không bất ngờ.
Hiện ngoài F.Studio của FPT Shop, TopZone của Thế giới Di động, chuỗi Mono Store ở Việt Nam còn có sự tham gia của ShopDunk. Hệ thống này khai trương 5 Mono Store vào ngày đầu mở bán iPhone 13 (22/10) và dự định mở thêm 50 cửa hàng trong nửa năm tới. Đại diện TopZone cũng xác nhận sẽ cán mốc 50-60 cửa hàng vào quý I/2022.
F.Studio đang có 15 cửa hàng và thời gian tới sẽ hợp tác với Apple để mở rộng thêm. Một số đại lý uỷ quyền của Apple như CellphoneS, Minh Tuấn Mobile cũng xác nhận đang lên kế hoạch xây dựng Mono Store.
"Mỗi cửa hàng đều được Apple đầu tư, thiết kế và đào tạo nhân viên theo chuẩn toàn cầu. Cửa hàng cũng cung cấp nhiều dịch vụ của Apple hơn, nên người dùng sẽ được trải nghiệm đa dạng sản phẩm", ông Tuấn Anh, đại diện ShopDunk, cho biết. Ngoài ra, khi trở thành Mono Store, Apple sẽ đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa để tránh ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng.
Quan trọng hơn, sự hiện diện của chuỗi Mono Store là tín hiệu cho thấy độ phủ của Apple tại Việt Nam, là tiền đề để hãng tiến đến việc mở Apple Store.
Lý do Việt Nam chưa có Apple Store
Giữa năm 2020, Apple đăng thông tin tuyển dụng nhiều vị trí quan trọng tại Việt Nam. Nhiều người dự đoán đây bước đệm cho việc mở Apple Store. Tuy nhiên hơn một năm trôi qua, hãng vẫn chưa có động thái nào cho thấy sẽ mở cửa hàng tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia quan sát thị trường, có nhiều lý do khiến Việt Nam chưa có Apple Store, nhưng nguyên nhân chủ yếu là doanh số bán hàng.
"Apple Store không chỉ bán riêng iPhone mà còn cả những thiết bị khác có trên trang chủ của hãng như iMac, Macbook... cho đến các phụ kiện của đối tác. Khi mở ra, cửa hàng cũng sẽ phải chịu doanh số, KPI đối với các sản phẩm này. Đây là áp lực không nhỏ ở thị trường trong nước", quản lý một hệ thống di động lâu năm tại TP HCM nói.
Ngoài ra, vấn đề mặt bằng, bảo hành, thuế phí, hàng xách tay cũng là rào cản lớn. Theo các chuyên gia, Apple luôn chọn những vị trí đắc địa, đông người qua lại để đặt cửa hàng chính thức. Do đó, hãng phải cân nhắc đến hiệu quả kinh tế khi mở Apple Store hay thông qua các đối tác bán lẻ địa phương để hoạt động.
Đại diện FPT Shop, một trong những đối tác cao cấp của Apple tại Việt Nam, cho biết hãng có những quy định cao đối với Apple Store. Minh chứng là nhiều thị trường được đánh giá cao như Singapore, Thái Lan cũng rất lâu mới có cửa hàng chính hãng.
Theo ông Tuấn Anh, Apple luôn tiến hành từng bước, vì thế câu chuyện Apple Store phụ thuộc thị trường phát triển như thế nào. "Trước mắt, Apple hợp tác với nhà bán lẻ Việt Nam để mở rộng sức ảnh hưởng. Khi mô hình Mono Store được nhân rộng, các mô hình bán lẻ cấp cao hơn sẽ sớm có mặt", ông Tuấn Anh nói.
Ông nhận định, Mono Store sẽ không ảnh hưởng hay bị ảnh hưởng gì khi Apple Store xuất hiện. Trên thực tế, cả hai có thể tương trợ cho nhau. "Apple Store là phiên bản cửa hàng bán lẻ cao cấp nhất, trực tiếp do Apple điều hành nhưng sẽ chỉ có mặt ở những địa điểm đắc địa, trong thành phố lớn. Ở những thị trường rộng lớn, người dùng không chỉ mua sắm ở Apple Store, vì thế Mono Store hay các cửa hàng phân phối chính hãng là kênh cần thiết cho người dùng", đại diện ShopDunk phân tích.
Khương Nha