Theo báo Guardian, một nhóm đối tác của Apple được cho là đã nghe lại ghi âm các đoạn đối thoại ngắn của người dùng sau khi kích hoạt nút "Hey Siri" mà họ không hề hay biết. Những người này sau đó đánh giá khả năng phản hồi của trợ lý ảo, xác định nó thường hay gặp lỗi, hiểu nhầm ở đâu, hoặc liệu có vô tình bị kích hoạt không đúng thời điểm...
Apple khẳng định các file không chứa thông tin về danh tính người dùng và chúng được phân tích trong môi trường bảo mật. "Những người tham gia đánh giá phải tuân thủ những yêu cầu nghiêm ngặt của Apple", hãng này nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Guardian cho biết những đoạn ghi âm mà họ nghe được chứa cả các "trao đổi cá nhân giữa bác sĩ và bệnh nhân, các cuộc thương lượng kinh doanh, thậm chí có nội dung liên quan tới tình dục".
Apple từng nhiều lần chỉ trích Facebook, Google vì không coi trọng quyền riêng tư của người dùng, nhưng những gì họ đang làm cũng không khác so với Google và Amazon.
Hồi tháng 4, Bloomberg đưa tin Amazon sử dụng hàng nghìn nhân sự trên toàn cầu để phiên âm các lệnh thoại thu thập từ người dùng, sau đó đưa chúng trở lại phần mềm để giúp cải thiện khả năng nhận dạng ngôn ngữ của Alexa. Nhiều nội dung thu thập được mô tả là "trần tục" và đôi khi "có hơi hướng phạm tội".
Amazon đã xác nhận việc họ thuê người nghe những gì khách hàng nói với Alexa nhưng khẳng định coi trọng "bảo mật và quyền riêng tư về thông tin cá nhân của khách hàng".
Giữa tháng 7, đến lượt Google bị kênh truyền hình VRT NWS (Bỉ) tố đã thuê người nghe các câu lệnh đối với trợ lý ảo Assistant, trong đó có thể chứa thông tin như lịch hẹn, các mối quan hệ cá nhân, tên tuổi... của người sử dụng. Kênh này cho biết đã nghe thử 1.000 bản ghi âm của Google Assistant và nhận thấy có cả những cuộc cãi vã, hay thảo luận bên ngoài giữa hai cha con.
Google khẳng định chỉ 0.2% số lượng các câu lệnh của người dùng được nghe lại bởi các chuyên gia ngôn ngữ nhằm cải thiện chất lượng của Assistant và các dữ liệu này hoàn toàn ẩn danh.