Tất cả đều giải thích họ thực hiện điều này nhằm phân tích, đánh giá khả năng phản hồi của các phần mềm tương tác như Siri, Assistant. Cortana, Alexa.
"Họ thường thuê đối tác, nhà thầu bên ngoài chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng, nghe những gì mà trợ lý ảo ghi lại được và xem chúng có thực sự hữu ích không", Business Insider cho biết. "Dù cố gắng đảm bảo quyền riêng tư và bảo mật, không khó để xác định danh tính người nói trong hội thoại vì bản ghi âm thường chứa tên và địa chỉ".
Apple
Cuối tháng 7, báo Guardian đưa tin Apple thuê đối tác nghe và đánh giá các ghi âm thu được từ trợ lý ảo mà người dùng không hề hay biết, làm dấy lên những lo ngại về quyền riêng tư. Một trong số các đối tác của hãng công nghệ Mỹ còn cho biết "không có quy trình cụ thể nào để xử lý các bản ghi nhạy cảm".
Apple đã nhanh chóng dừng chương trình nghe ghi âm này chỉ một tuần sau báo cáo của Guardian, đồng thời cho phép người dùng từ chối dịch vụ "cải thiện chất lượng" của Siri trong các bản cập nhật phần mềm tương lai. Theo Irish Examiner, các đối tác của Apple đã tiếp nhận hơn 1.000 bản ghi âm các cuộc hội thoại mỗi ngày.
Cũng trong tháng 7, kênh truyền hình VRT NWS của Bỉ cho biết Google thuê đối thác ghi chép nội dung âm thanh mà trợ lý ảo Assistant thu được từ người dùng, trong đó có cả những thông tin nhạy cảm như họ tên, địa chỉ và thậm chí chi tiết về cuộc sống cá nhân của họ...
Google sau đó khẳng định đã dừng hoạt động đánh giá bản ghi âm.Họ cũng nhấn mạnh chỉ có một "phần" bản ghi âm từ trợ lý ảo được chọn để đánh giá thủ công và đều không liên kết với bất kỳ thông tin nhận dạng cá nhân nào khác của người dùng. Ngoài ra, Google cũng cung cấp cách để quản lý lịch sử tương tác với trợ lý ảo bằng giọng nói.
Amazon
Từ tháng 4, Bloomberg đưa tin Amazon sử dụng hàng nghìn nhân viên trên toàn cầu trực tiếp nghe các đoạn hội thoại giữa người dùng với phần mềm Alexa để cải thiện khả năng hiểu lời nói của con người của trợ lý giọng nói.
Amazon vẫn bảo vệ các hoạt động của mình, nói rằng "chỉ sử dụng một lượng cực nhỏ" tương tác của khách hàng với các thiết bị hỗ trợ giọng nói để cải thiện dịch vụ.
Microsoft
Mới nhất, các báo cáo từ Vice và Motherboard đã làm sáng tỏ việc Microsoft trả bao nhiêu tiền cho mỗi nhà thầu để nghe các hội thoại được ghi lại từ máy chơi game Xbox và Skype. "Họ trả công từ 12 USD đến 14 USD một giờ cho việc nghe và sao chép hơn 200 nội dung ghi âm", báo cáo viết.
Microsoft thừa nhận việc nghe lại hội thoại từ người dùng và khẳng định chỉ để "xây dựng, huấn luyện và cải thiện tính chính xác" của các phương pháp xử lý tự động. Bên cạnh đó, công ty cho biết đã ngừng ghi lại các nội dung giọng nói và không có kế hoạch để bắt đầu lại những đánh giá đó.
Theo Bloomberg, Facebook cũng trả tiền cho hàng trăm đối tác để chuyển các hội thoại bằng âm thanh thành văn bản. Một trong số đối tác của công ty thừa nhận "có rất nhiều từ ngữ nhạy cảm" nghe được, nhưng điều duy nhất họ làm là chuyển thể chúng sang dạng văn bản.
Vào tháng 8, Facebook thừa nhận việc nghe những cuộc gọi, ghi âm của người dùng để cải thiện hệ thống AI và nói đã dừng hoạt động này từ cuối tháng 7.
"Nếu bạn sở hữu một thiết bị có micro, rất có thể âm thanh đã được ghi lại và gửi cho người khác để kiểm tra, nhưng chưa có sự cho phép của bạn", Business Insider khuyến cáo.
Ngọc Bình