Theo Press Trust of India, Google đã gửi hồ sơ lên Bộ Nội vụ Ấn Độ để xin phép dịch vụ Street View có thể hoạt động tại đây. Tuy nhiên, yêu cầu đã bị bác bỏ do các cơ quan an ninh lo ngại, những hình ảnh nếu bị ghi lại và công khai sẽ là “công cụ do thám miễn phí” của bọn khủng bố.
“Việc các dịch vụ thu thập hình ảnh như Street View hoạt động có thể sẽ khiến đất nước lộ ra nhiều thông tin nhạy cảm, đặc biệt là các công trình quốc phòng. Nước này vẫn chưa quên vụ khủng bố năm 2008 tại Mumbai, tên khủng bố David Headley (quốc tịch Mỹ và Pakistan) đã do thám các mục tiêu tấn công bằng hình ảnh trước khi gây ra thảm họa”, một quan chức cao cấp của chính phủ Ấn Độ cho biết.
Tuy nhiên, Google cho biết họ chưa nhận được văn bản chính thức nào cấm dịch vụ của họ từ giới chức Ấn Độ.
Ra đời năm 2007, Google Street View với nhiệm vụ ghi lại nhiều hình ảnh 360 độ độ nét cao, cho phép người dùng khắp nơi trên thế giới có thể khám phá đường phố, điểm đến du lịch, sông núi… ngay trên máy tính. Dịch vụ đã thành công ở rất nhiều nơi, nhưng cũng khiến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ nơi nó đi qua lo ngại về quyền riêng tư.
Năm 2011, cảnh sát thành phố Bangalore (Nam Ấn Độ) đã ngăn chặn Street View sau khi chiếc xe gắn camera hoạt động chụp thử nghiệm nơi đây. Trong năm 2010, gần 250.000 người Đức yêu cầu Google làm mờ hình ảnh của ngôi nhà của họ. Chính phủ Séc cũng từng ra lệnh cấm Street View không được chụp bất kỳ hình ảnh nào ở quốc gia này.
Xem thêm:
> Chàng trai vác 18 kg thiết bị chụp ảnh cho Google
> Những hình ảnh đáng sợ trên Google Street View
Bảo Lâm