Các nội dung Flash sẽ bị chặn chạy trên các plugin, bao gồm trình duyệt máy tính lẫn một số điện thoại cuối cùng còn hỗ trợ. "Gỡ cài đặt Flash Player sẽ giúp bảo mật hệ thống của bạn, vì Adobe sẽ không phát hành bất cứ phiên bản mới nào và dừng hỗ trợ bản vá sau này", thông báo của Adobe viết. Hãng cũng khuyến cáo người dùng cần cẩn trọng với các bản cập nhật trong tương lai vì chúng là giả và có thể đi kèm mã nguồn độc hại.
Thời gian trước năm 2010 là thời kỳ hoàng kim của Flash bởi nó được sử dụng cho đa số nội dung có khả năng tương tác, trò chơi hay trình phát nhạc hay video trên trình duyệt. Youtube - mạng xã hội video lớn nhất thế giới - cũng dùng Flash Player đến 2015 trước khi chuyển hoàn toàn sang HTML5.
Tương lai của Flash được dự báo sớm bởi Steve Jobs, cố CEO của Apple hơn 10 năm trước. Tháng 2/2010, khi trả lời câu hỏi của phóng viên sau lễ ra mắt iPad tại sao máy không có Flash, Jobs nói rằng đây là kẻ thù với bộ vi xử lý. Ông cũng gọi nó là "lỗi" và chứa đầy những "lỗ hổng bảo mật". Khi thử nghiệm trên iPad, các kỹ sư cũng cho rằng nó quá ngốn pin và kết quả là tính năng này bị loại trên thiết bị của Apple.
Tại thời điểm đó, Google chào đón Adobe Flash đến với hệ sinh thái Android như là một sự khác biệt và là tính năng cạnh tranh với iOS. Motorola Droid, Nexus One là hai trong số điện thoại Android đầu tiên có Flash. Tuy nhiên, như những gì Jobs nói, các máy chạy Flash đều rất chậm và thực sự gây hao pin. Adobe sau đó đã bỏ chương trình hỗ trợ trên thiết bị di động.
Flash Player dần bị thay thế trong khoảng từ năm 2013 đến 2015 bằng HTML5. Sau thời điểm này, hầu hết các trang web mới đều không còn sử dụng đến Flash trong mã nguồn. Năm 2017, Adobe ra thông báo sẽ dừng phát triển Flash và sẽ chính thức ngừng hỗ trợ cho đến hết năm 2020.