Tối 22/10 tại Đà Nẵng, VINASA tổ chức lễ vinh danh 50 doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam và 10 doanh nghiệp có năng lực 4.0 tiêu biểu năm 2019.
Đại diện ban tổ chức cho biết, các công ty công nghệ trong nước đều nhận thức cao trong việc ứng dụng và phát triển các ứng dụng chuyển đổi số để gia tăng trải nghiệm khách hàng, giảm chi phí và thời gian, tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Nhiều bên đã thành lập các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI)... 10 doanh nghiệp được trao chứng nhận gồm công ty FPT, DMSPRO, GMO-Z.com RunSystem, FSI, MobiFone, MISA, TMA, Viettel, VNEXT Software và VNPT.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT, khẳng định mục tiêu của tập đoàn là nằm trong số 50 công ty cung cấp dịch vụ chuyển đổi số hàng đầu thế giới 10 năm tới. Đây là năm thứ hai liên tiếp FPT được bình chọn trong danh sách về năng lực công nghệ 4.0 tiểu biểu.
"FPT đã hình thành hệ sinh thái các giải pháp, nền tảng chuyển đổi số giúp các tổ chức, doanh nghiệp trên toàn cầu nâng cao hiệu suất hoạt động, nâng cao trải nghiệm khách hàng cũng như phát triển các mô hình kinh doanh mới. Trong đó tiêu biểu là nền tảng trí tuệ nhân tạo FPT.AI, nền tảng Blockchain - akaChain, nền tảng tự động hóa akaBot...", ông Khoa chia sẻ.
Trong khi đó, ông Vũ Duy Linh, Phó giám đốc FSI, nhận định không nên nghĩ cách mạng 4.0 ngay lập tức phải thực hiện những bước đi lớn. "Doanh nghiệp nên chuyển đổi số từ những việc nhỏ nhưng hiệu quả. Vấn đề quan trọng nhất của chuyển đổi số chỉ xoay quanh 'dữ liệu' nên họ có thể bắt đầu chuyển đổi từ tư duy truyền thống sang doanh nghiệp số bằng việc biến văn phòng chứa đầy hồ sơ, tài liệu thành văn phòng 'không giấy tờ'. Là một trong 10 doanh nghiệp 4.0 tiêu biểu, chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu phát triển các sản phẩm, dịch vụ, phần mềm công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phục vụ cho giải pháp số hóa và chuyển đổi số", ông Linh nói.
Theo VINASA, tổng doanh thu năm 2018 của 50 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2019 đạt 693.657 tỷ VND (30,6 tỷ USD), chiếm 31% doanh thu toàn ngành CNTT Việt Nam năm 2018 (98,7 tỷ USD).
"Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển của các công nghệ mới, AI, Blockchain, Data Analytics, IoT... sẽ mang lại những bước tiến nhảy vọt trong nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghiệp, mang đến những mô hình kinh doanh mới, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và logistics, giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Ban tổ chức mong muốn góp phần định hướng phát triển cho các doanh nghiệp và ngành với tinh thần 'đi đầu, làm lớn' để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam", bà Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng thư ký VINASA, nói.