So với sáng qua, số hộ dân bị ngập đã tăng gấp đôi, tập trung ở huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh. 58 thôn bản đang bị cô lập. Hơn 9.100 hộ dân vùng ngập sâu đã sơ tán tại chỗ, sang các nhà hàng xóm cao hơn. Các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị ngập 76 điểm, giao thông gián đoạn.
Quảng Bình gia tăng diện ngập do mưa lớn. Riêng từ 19h hôm qua đến 7h sáng nay, lượng mưa tại hồ Song Thai là 145 mm, các nơi khác 50-100 mm. Nước từ thượng nguồn đổ về vùng đồng bằng Lệ Thủy, Quảng Ninh, kết hợp với triều cường ở mức cao khiến lũ rút chậm ra biển. Mực nước sông Kiến Giang tại Lệ Thủy lúc 7h sáng nay là 4,01 m, chỉ giảm 15 cm so với lúc đỉnh 1h.
Để đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân khi lũ kéo dài, huyện Lệ Thủy lên kế hoạch tiếp nhận hàng cứu trợ ở ngã ba xã Cam Thủy và xã Mai Thủy trên quốc lộ 1. Hàng cứu trợ sẽ được vận chuyển bằng ghe (xuồng nan tre) của ngư dân vào cho người dân vùng rốn lũ.
Ông Lê Văn Sơn, Phó chủ tịch huyện Lệ Thủy, cho biết địa phương đã điều 10 ghe của ngư dân xã Ngư Thủy Bắc tham gia chở hàng cứu trợ, nhu yếu phẩm. Trước mắt, ba ghe sẽ tham gia việc cứu hộ, chở hàng nhu yếu phẩm để tiếp tế cho người dân vùng rốn lũ. Những ngư dân có ghe tham gia chở hàng đều có kinh nghiệm tham gia cứu hộ trong trận lũ lịch sử năm 2020.
"Nước lũ vẫn đang cao, sóng lớn, chỉ có ghe lớn của ngư dân vào vùng rốn lũ mới đảm bảo an toàn. Mặt trận huyện sẽ tiếp nhận hàng cứu trợ của các đoàn tại ngã ba Cam Liên và xã Mai Thủy, vận chuyển vào cho người dân", ông Sơn nói và cho biết thời tiết diễn biến bất thường, nước lũ dâng cao nên huyện đề nghị các đoàn cứu hộ không vào vùng rốn lũ.
Đây là trận lũ lớn thứ hai trong 4 năm qua ở Quảng Bình, sau trận lũ tháng 10/2020. Năm đó đỉnh lũ sông Kiến Giang lên 4,88 m, vượt cả đỉnh lũ năm 1979 là 0,97 m. Toàn bộ vùng đồng bằng huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy bị ngập 2-4 m, kéo dài hơn 10 ngày, làm 25 người chết, thiệt hại kinh tế 3.500 tỷ đồng.
Võ Thạnh - Đức Hùng