Tại cuộc họp với báo chí ngày 21/3, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM Dương Hồng Thanh cho biết, thành phố đang nghiên cứu tách dòng có những đoạn đường dành riêng và ưu tiên xe buýt để tăng tốc độ khai thác bao gồm thời gian dừng, đỗ lấy khách, đèn đỏ.
"Khảo sát cho thấy có đến 70% hành khách mong muốn xe buýt đi đúng giờ và có tốc độ hợp lý. Tuy nhiên hiện tốc độ khai thác của xe buýt tại TP HCM chỉ từ 15 đến 18km/h, thấp hơn nhiều so với xe máy và chỉ cao hơn xe đạp một chút", ông Thanh đánh giá.
Theo ông Thanh, hiện Ngân hàng thế giới đã đồng ý tài trợ TP HCM xây dựng hệ thống xe buýt nhanh (BRT) dọc đại lộ Võ Văn Kiệt với tổng số vốn khoảng 156 triệu USD nhằm tăng cường năng suất cũng như tốc độ vận chuyển. Dự án đang trong quá trình nghiên cứu khả thi, dự kiến đến năm 2018, tuyến BRT đầu tiên sẽ đi vào hoạt động.

Theo lãnh đạo Sở GTVT TP HCM, xe buýt hiện chỉ chạy được tốc độ từ 15 đến 18km/h, chậm hơn cả xe máy. Ảnh: Hữu Công
Liên quan đến việc xe buýt gây nhiều tai nạn trong thời gian qua và trách nhiệm của ngành giao thông thành phố, lãnh đạo Sở GTVT cho biết, từ đầu năm đến nay có 10 vụ tai nạn liên quan đến xe buýt làm chết 2 người và 9 người bị thương. Trong đó, nguyên nhân khiến một học sinh lớp 6 thiệt mạng xảy ra tại đường Phan Đăng Lưu (Phú Nhuận) và ép chết người đàn ông đi tập thể dục vào rào chắn trên đường Lê Thị Hồng Gấm (quận 1) vẫn đang được cơ quan điều tra làm rõ.
Tuy nhiên, ghi nhận ở các vụ tai nạn, vận tốc của xe buýt ở trong giới hạn cho phép (từ 0 đến 35km/h). Về thời gian, có 10/11 vụ xảy ra trong giờ cao điểm. "Như vậy rõ ràng không có chuyện tai nạn do xe buýt phóng nhanh, vượt ẩu", ông Thanh nhận định.
Theo ông Thanh, xe buýt cũng như bất kỳ loại phương tiện nào đang lưu thông trên đường, trách nhiệm xảy ra tai nạn do vi phạm luật giao thông trước tiên thuộc về người điều khiển phương tiện. "Chúng tôi thừa nhận có tài xế xe buýt phóng nhanh vượt ẩu, có xe buýt không chấp hành luật lệ giao thông nhưng cũng có nhiều tài xế chấp hành rất tốt luật nên không thể cứ khi xảy ra một vụ tai nạn liên quan đến xe buýt là mình đổ cho việc phóng nhanh, vượt ẩu", ông Thanh nói.
Riêng vụ xe buýt ép chết người vào rào chắn, bên cạnh việc tài xế xe buýt thiếu quan sát, Sở GTVT đã nhận trách nhiệm vì cho phép rào chắn chiếm hết vỉa hè của người đi bộ. Đồng thời, Sở đã có biện pháp chấn chỉnh, cho rà soát tất cả công trình trên địa bàn nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
Phó giám đốc Sở phụ trách lĩnh vực vận tải cũng cho rằng, hiện tài xế xe buýt không phải chịu nhiều áp lực về thời gian (trừ tiền nếu về bến trễ) vì theo quy định chỉ khi nào về bến trễ hơn 60 phút thì mới bị phạt. "Tài xế cũng không gặp áp lực nào liên quan đến cơm - áo - gạo - tiền, mà chỉ có một áp lực duy nhất là phải lưu thông chung với các loại xe khác", ông Thanh nói.
Trước thông tin Hà Nội sẽ tăng vé xe buýt vào tháng 5 tới, lãnh đạo Sở GTVT TP HCM khẳng định sẽ không tăng giá vé xe buýt trong năm nay, đồng thời cho biết xe buýt thành phố được trợ giá 1.337 tỷ đồng.
Hữu Công