Chiều 18/2, phát biểu với báo chí, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, Bộ Giao thông và TP Hà Nội đã thống nhất phương án di dời 9 nhịp cầu Long Biên để xây dựng đường sắt đô thị, tuy nhiên quan điểm của Sở là duy trì, bảo tồn nguyên trạng cây cầu; đồng thời sửa chữa, nâng cấp tải trọng để phục vụ giao thông.
"Trải qua hơn 100 năm hoạt động, cầu đã xuống cấp, tải trọng kém, việc sửa chữa, nâng tải trọng là rất cần thiết. Hiện nay, có thể thay thiết kế hai đường sắt, hai đường bộ kết hợp, nhưng về cơ bản phải giữ lại được nguyên trạng, bảo tồn được nét đẹp và hình ảnh của Hà Nội", ông Tân nêu.
Cũng theo vị phó giám đốc, việc sửa chữa một cây cầu không khó, tuy nhiên sửa chữa đi đôi với bảo tồn và tăng khả năng chịu tải của cây cầu là một bài toán rất khó giải quyết và không thể làm ngay được. "Vướng mắc đến việc lấy nguồn vốn ở đâu, giải phóng mặt bằng, đền bù ra sao", ông Tân đặt câu hỏi.
Trước đó, lấy ý kiến các bộ ngành về việc xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi, Bộ Giao thông đưa ra 3 phương án để chỉ đạo Tổng công ty đường sắt Việt Nam nghiên cứu vị trí cầu đường sắt Long Biên.
Cụ thể, phương án 1 sẽ xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại, di dời 9 nhịp cầu cũ về phía thượng lưu để bảo tồn. Phương án 2, xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại có kết cấu nhịp dàn thép tương tự cầu cũ như thiết kế ban đầu. Phương án 3, xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn.
Theo phương án Bộ Giao thông ưu tiên lựa chọn thì cầu Long Biên cũ sẽ được gia cố sửa chữa theo nguyên bản nhằm khai thác đường bộ hai bên, phục vụ du lịch bãi giữa sông Hồng. 9 nhịp cầu đầu trung tâm Hà Nội sẽ được di dời về phía thượng lưu, cách tim cầu cũ 85 m. Phần đường sắt ở giữa sẽ trưng bày đầu tàu hỏa, làm bảo tàng lưu giữ nét cổ kính của cầu Long Biên. Chi phí cho phương án này khoảng 7.982 tỷ đồng.
Cầu mới sẽ có đường sắt đôi chạy giữa, hai bên là đường dành cho ôtô, xe máy và xe thô sơ.
Cầu Long Biên do Pháp xây dựng từ 1889 - 1902. Cầu dành cho đường sắt đơn (khổ 1.000 mm) chạy ở giữa. Hai bên là đường ôtô (rộng 2,7 m) và đường đi bộ (rộng 0,8 m). Cầu dài 1.681 m gồm 19 nhịp dầm thép. Trong chiến tranh chống Mỹ, cầu bị đánh bom nhiều lần. Tổng cộng 4 đợt đánh phá năm 1972, cầu bị mất hẳn 9/19 trụ chính, 9 trụ khác bị hỏng nặng. |
Bá Đô