Chiều 21/3, tại họp báo thường kỳ của thành phố, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho biết AISVN hiện có hơn 1.210 học sinh theo học chương trình Tú tài quốc tế (IB), 129 giáo viên nước ngoài và 26 giáo viên Việt Nam. Đến 20/3, số giáo viên nghỉ việc là 85 người.
Sau khi cho tất cả học sinh nghỉ học ngày 18/3, ngày 19-20/3 trường đã mở trở lại. Tuy nhiên, hôm nay và mai, trường cho hay không thể tổ chức dạy học, khiến nhiều phụ huynh bức xúc.
"Mặc dù Sở đã có văn bản khẩn và nhiều lần yêu cầu tổ chức dạy học đúng kế hoạch nhưng trường lại để học sinh nghỉ. Sở tiếp tục lập biên bản vi phạm của trường", bà Châu nói.
Theo bà Châu, sau vụ phụ huynh tụ tập đòi nợ trường Quốc tế Mỹ Việt Nam hồi tháng 9/2023, Sở đã nhiều lần làm việc với lãnh đạo trường. Đến tháng 1, AISVN cho biết chưa có phương án tài chính rõ ràng nhưng có thể duy trì hoạt động đến cuối năm học.
Từ đầu tháng 3, Sở nhiều lần làm việc với hiệu trưởng AISVN về phương án sắp xếp học sinh khi giáo viên nghỉ dạy nhưng trường chưa hợp tác.
"Trong các báo cáo, nhà trường luôn trình bày đang xử lý tài chính nhưng Sở nhận thấy việc đảm bảo duy trì hoạt động nhà trường đang ảnh hưởng chất lượng dạy và học, ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh", bà Châu nói.
Sở đã phát văn bản khẩn đề nghị các phòng giáo dục và các trường công lập, tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài tạo điều kiện để học sinh AISVN chuyển đến nếu có nhu cầu.
Sáng nay, khi làm việc với Sở, bà Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch Hội đồng quản trị, cam kết trong một tuần sẽ kêu gọi các quỹ đầu tư để tái cấu trúc trường, duy trì hoạt động giáo dục và chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật nếu không làm được.
AISVN thành lập năm 2006, dạy chương trình Tú tài quốc tế (IB). Học phí là 280-350 triệu đồng một năm với bậc mầm non, 450-500 triệu đồng với bậc tiểu học và 600-725 triệu ở bậc trung học. Có giai đoạn, trường có hơn 400 giáo viên, nhân viên người Việt Nam và nước ngoài..
Tháng 10/2023, AISVN gây chú ý khi bị nhiều phụ huynh tụ tập đòi nợ. Những phụ huynh này nói cho trường vay hàng chục tỷ đồng không lãi suất, không tài sản thế chấp, thông qua các hợp đồng vay vốn, đầu tư. Bù lại, con em họ được học miễn phí, trường cam kết trả tiền sau khi học sinh tốt nghiệp hoặc chuyển trường. Tuy nhiên, sau đó họ không được nhận lại tiền.
Bà Châu cho hay, liên quan đến các gói đầu tư giữa chủ đầu tư AISVN và phụ huynh, Sở và các cơ quan pháp luật đã hướng dẫn phụ huynh đảm bảo quyền lợi của mình tại tòa.
Ngoài ra, Sở cũng tiếp một nhóm khoảng 20 phụ huynh. Họ không muốn chuyển trường mà muốn Sở trao đổi với chủ đầu tư cho họ được quyền kiểm soát trường.
"Đây là vấn đề ngoài thẩm quyền của chúng tôi", bà Châu nói.
Lệ Nguyễn - Lê Tuyết