Trao đổi với VnExpress, ông Đỗ Minh Hoàng - Chánh thanh tra Sở Giáo dục cho biết, Sở đã phối hợp với Bộ Giáo dục Anh để xây dựng riêng cho TP HCM một chương trình mới thay vì tiếp tục dạy chương trình của ĐH Cambridge - dạy Toán khoa học bằng tiếng Anh.
Từ năm học 2009-2010 Sở liên kết với ĐH học này để đưa chương trình vào dạy phổ thông. Đã có 20 trường tiểu học trên địa bàn thành phố đăng ký mở lớp dạy, toàn bộ giáo viên là người bản ngữ do ĐH Cambridge tuyển chọn theo quy chuẩn của Anh. Phụ huynh có thể đăng ký cho con nếu có nhu cầu. Đây được xem như là một cách "du học tại chỗ" và đã có hơn 2.000 học sinh theo học.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Giáo dục, quá trình triển khai đã phát sinh ra một vài nhược điểm. Thứ nhất, do bản quyền thuộc ĐH Cambridge nên Sở phải dạy theo đúng chương trình của họ, không được điều chỉnh bất cứ nội dung gì. Theo tiêu chuẩn này, tất cả cơ sơ vật chất, đội ngũ giáo viên đều được tuyển chọn rất gắt gao trước khi cho phép các trường mở lớp dạy nên những trường vùng ven hoặc nơi không đủ điều kiện thì không thể mở lớp. Học sinh theo học chương trình Cambridge vẫn phải học môn Toán theo chương trình bình thường nên tạo ra áp lực cho các em.
Từ những khó khăn trên, Sở đã phối hợp với Bộ Giáo dục Anh xây dựng chương trình tiếng Anh tích hợp dựa trên chương trình của ĐH Cambridge, theo hướng giảm tải cho học sinh (đã học chương trình tích hợp thì không phải học môn Toán ở chương trình khác) và phù hợp điều kiện của Việt Nam.
Về giáo viên, ông Hoàng cho biết, trong thời gian đầu, Sở tiếp tục sử dụng lực lượng của chương trình Cambridge. Sau đó, Sở sẽ lên kế hoạch đào tạo giáo viên người Việt đạt chuẩn để thể thay thế lực lượng này.
Học sinh đang theo học chương trình Cambrige vẫn có thể theo học hết chương trình hoặc chuyển qua đăng ký học chương trình tiếng Anh tích hợp ngay năm nay.
Quyết định khá đột ngột này của Sở cũng khiến nhiều phụ huynh không khỏi hoang mang vì chưa biết trong thời gian tới sẽ cho con học thế nào.
Một phụ huynh có con học chương trình Cambridge tại Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) cho biết, con chị rất thích chương trình này và chị thấy cháu tiến bộ hàng ngày. Các bé tham gia chương trình rất năng động trong việc học tập và chất lượng cũng rất tốt khi có giáo viên bản ngữ dạy, chương trình đạt chuẩn, cơ sở vật chất đảm bảo. Học sinh không phải học tiếng Anh tăng cường trong khi khả năng tiếng Anh của các cháu phát triển rất tốt vì được giao tiếp với giáo viên bản ngữ.
"Liệu chương trình tích hợp của Sở có đảm bảo chất lượng khi mở đại trà và thay thế giáo viên bản ngữ bằng giáo viên người Việt? Rồi cơ sở vật chất sẽ không đảm bảo khi trước mắt học phí vẫn ngang bằng chương trình học của Cambridge", phụ huynh này đặt vấn đề.
Tương tự, một phụ huynh học sinh Tiểu học Lê Ngọc Hân (quận 1) bày tỏ sự không đồng tình với quyết định đột ngột của Sở. Anh này cho biết con anh theo học chương trình được 3 năm nay. Nhà trường giới thiệu đây là chương trình tiên tiến của Anh và sẽ đào tạo hết lớp 12 nên anh mới đăng ký.
"Đùng một cái chúng tôi nhận được thông báo ngưng tuyển sinh, giờ không biết phải tìm chương trình nào cho con học tiếp. Lúc đầu bảo là chương trình chuẩn, tiên tiến... giờ lại chê nặng, không phù hợp. Sao Sở không nghiên cứu trước và ngay từ đầu, chẳng lẽ cứ lấy con chúng tôi làm "chuột bạch"", anh này bức xúc.
Trước đó, năm 2009 Sở Giáo dục TP HCM đưa chương trình Cambridge vào giảng dạy với kế hoạch dạy cả ba cấp học. Rất nhiều trường như tiểu học Trần Hưng Đạo, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Ngọc Hân, THCS - THPT Trần Đại Nghĩa, THCS Lê Qúy Đôn... đăng ký mở lớp dạy.
Dự kiến, ngày 23/6, Sở sẽ thông báo chính thức về việc ngưng chương trình Cambridge và triển khai chương trình tiếng Anh tích hợp mới.
Nguyễn Loan