Thông tin vừa được công bố bởi S&P Global Intelligence. Theo nhà cung cấp dữ liệu và nghiên cứu trụ sở tại New York, tốc độ tăng của lượng đơn xin bảo hộ phá sản gần đây tăng nhanh so với những tháng đầu năm và chỉ kém những tháng bận rộn nhất năm 2020, khi cú sốc Covid-19 đẩy một số công ty vào khốn khó.
Tổng cộng 6 tháng qua, đã có 346 đơn xin bảo hộ phá sản được nộp ở Mỹ, con số kỷ lục của 13 năm. "Lãi suất cao, các vấn đề về chuỗi cung ứng và chi tiêu tiêu dùng chậm lại tiếp tục đè nặng lên các công ty đang gặp khó khăn", báo cáo nêu.
S&P Global Intelligence lưu ý chỉ thống kê các công ty vào danh sách theo một trong hai tiêu chí: doanh nghiệp đại chúng hoặc tư nhân có nợ công khai (loại nợ mà các công ty phát hành và được mua bán công khai trên thị trường tài chính như trái phiếu doanh nghiệp) từ 2 triệu USD tại thời điểm nộp đơn; hoặc công ty tư nhân có nợ dưới mọi hình thức từ 10 triệu USD trở lên.
Phân theo lĩnh vực, các công ty sản phẩm tiêu dùng không thiết yếu dẫn đầu về số lượng đơn xin bảo hộ phá sản, với tổng số 55 hồ sơ trong nửa đầu năm. Cùng đứng thứ hai là chăm sóc sức khỏe và công nghiệp, với 40 hồ sơ mỗi ngành.
Riêng tháng 6, có 16 công ty hàng tiêu dùng không thiết yếu, 7 doanh nghiệp chăm sóc sức khỏe và 9 công ty công nghiệp đang tiến hành thủ tục phá sản.
Hôm 17/6, nhà sản xuất xe điện Fisker Group đã tiến hành thủ tục phá sản. Hồi tháng 3, hãng đã thông báo tạm dừng sản xuất chiếc SUV Ocean. Ban lãnh đạo Fisker cho biết doanh số bán hàng năm 2023 bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ của nhà cung cấp, lãi suất tăng và thiếu hụt lao động lành nghề.
Chicken Soup for the Soul Entertainment - công ty truyền thông đứng sau bộ sách "Chicken Soup for the Soul" - cũng nộp đơn xin phá sản tháng trước. Công ty điều hành các ki-ốt cho thuê DVD Redbox và trang web phát trực tuyến Crackle đệ đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 hôm 28/6, với các khoản nợ hàng triệu USD.
Nhưng đáng chú ý nhất tháng qua là đơn xin bảo hộ phá sản của Consulate Health Care, với tổng số nợ phải trả hơn một tỷ USD. Tính từ đầu năm, có tổng cộng có 17 vụ xin phá sản với khối nợ hàng tỷ USD.
Tại Mỹ, Chương 11 của Luật Phá sản cung cấp quy trình pháp lý giúp các doanh nghiệp tái cấu trúc tài chính và hoạt động kinh doanh nhằm tránh bị phá sản hoàn toàn. Khi doanh nghiệp nộp đơn theo Chương 11, họ vẫn tiếp tục hoạt động và duy trì quyền kiểm soát tài sản của mình, nhưng dưới sự giám sát của tòa án.
Doanh nghiệp sẽ đề xuất một kế hoạch tái cấu trúc bao gồm việc giảm nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh và có thể bán một số tài sản. Các chủ nợ và cổ đông có quyền xem xét và bỏ phiếu thông qua kế hoạch này.
Sau đó, tòa án sẽ xem xét và phê duyệt kế hoạch nếu nó đáp ứng các yêu cầu pháp lý và được sự chấp thuận của các chủ nợ và cổ đông. Sau khi phê duyệt, doanh nghiệp triển khai kế hoạch tái cấu trúc dưới sự giám sát của tòa án cho đến khi hoàn tất.
Phiên An (theo S&P Global Intelligence)