Vài tháng nay, anh trai cô bất hòa với người cha 85 tuổi vì ông chỉ trích anh không biết dạy con và mắng đứa cháu hư hỏng. Anh cũng cắt đứt quan hệ, không trả lời cuộc gọi hay tin nhắn của cô. Hiện người này chỉ giữ liên lạc với mẹ, mặc cho bà cầu xin hòa giải nhưng vô ích.
Đây là lý do khiến Jenny, một chủ doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm 56 tuổi, không được tận hưởng không khí đoàn viên nhiều năm. Anh em cô không đến thăm hay gọi điện chúc Tết, mặc dù các cô chú đã qua đời, chỉ còn cha mẹ cô là bậc lớn tuổi nhất còn sống.
"Thật đáng buồn phải không? Năm nay, mọi chuyện còn trầm lắng hơn nữa", Jenny, người đã kết hôn và có hai cô con gái trưởng thành, nói.
Nếu như sum họp với người thân là thông lệ trong dịp Tết Nguyên Đán thì những căng thẳng trong gia đình, dù công khai hay không thành lời, thường âm ỉ. Sự bất hòa này có thể được cảm nhận theo nhiều cách khác nhau, từ những câu thiếu tế nhị hỏi chuyện kết hôn của người độc thân, hỏi chuyện con cái của cặp vợ chồng hiếm muộn, cho đến thói quen đi nghỉ ở nước ngoài trong những ngày nghỉ lễ.
Ông James Leong, người sáng lập dịch vụ tư vấn Listen Without Prejudice (Lắng nghe không thành kiến) cho biết kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán là thời điểm để vui vẻ, để thấy rằng chúng ta đoàn kết như một gia đình. Bởi vì câu chuyện này đã ăn sâu vào cuộc sống nên bất kỳ sai lệch nào đều có thể khiến chúng ta khó chịu.
Nhà tâm lý học Muhammad Haikal Jamil, người sáng lập ImPossible Psychological Services cho biết các đường ranh giới có thể rõ ràng - chẳng hạn như không hài lòng về việc phân chia tài sản thừa kế hoặc kín đáo - như cha mẹ thiên vị giữa các anh chị em.
"Những xung đột và tranh cãi trong quá khứ có thể không được giải quyết và bị che giấu. Sự mất kết nối này có thể kéo dài trong nhiều năm, đặc biệt là khi phải đối mặt với những nhu cầu tình cảm không được đáp ứng", ông Haikal cho biết thêm.
Hiện nay nhiều gia đình ít gắn bó hơn và có xu hướng sống xa nhau, cũng như các cuộc tụ họp lớn ngày càng ít, nên có ít dịp và thời gian để giải quyết vấn đề đó.
Hơn nữa, theo chuyên gia trị liệu gia đình Evonne Lek, trung tâm Reconnect Psychology & Family Therapy, tâm trạng phổ biến của mọi người là không muốn xung đột, xáo trộn, đặc biệt là trong dịp lễ. Bà đã gặp những người không về nhà với lý do tận dụng kỳ nghỉ dài, nhưng thực tế họ ly thân/ly hôn nên tránh né phải đi thăm hỏi, chúc Tết. Ngoài ra còn những nguyên nhân khác như mất đi người thân hoặc tránh bị so sánh khi con người ta giỏi giang, thành đạt trong khi con mình thất bại.
"Nó có thể khá dữ dội. Bạn không muốn phải giải thích hoàn cảnh của mình", Lek nói.
Trong những trường hợp cực đoan, việc rút lui khỏi những cuộc gặp gỡ mùa lễ tết là cần thiết. Susan, 41 tuổi đã không nói chuyện với người cha ghẻ lạnh của mình kể từ cuối năm 2021 sau khi ông chặn mọi liên lạc với cô qua điện thoại và mạng xã hội.
Nhà trị liệu tâm lý này được ông bà quá cố nuôi dưỡng sau cuộc ly hôn bão táp của cha mẹ. Mẹ cô bỏ đi từ đó. Trong nhiều thập kỷ, đứa con duy nhất cáo buộc người cha đã cố gắng kiểm soát hành động của cô, luôn cho rằng cô "thuộc về" ông.
Susan nói, ông không thừa nhận chồng cũ lần chồng mới của cô. Ông thường cãi nhau với người thân trong những dịp lễ Tết vì những chi tiết nhỏ nhặt, chẳng hạn như đồ gia vị trên bàn hay chương trình truyền hình đang chiếu. Cô từng phải nhập viện vì suy sụp tinh thần khi phải đối mặt với cha.
Đã ba cái Tết Nguyên Đán cô không gặp bố. "Người ta thường nói 'một giọt máu đào hơn ao nước lã' nhưng thực tế không phải vậy. Bây giờ tôi cảm thấy bớt căng thẳng hơn," cô nói.
Bill, 53 tuổi, làm việc trong lĩnh vực đầu tư, đã trải qua một dạng căng thẳng khác giữa các thế hệ trong dịp Tết suốt nhiều năm, trước khi quyết định lên tiếng. Người mẹ góa của anh, hiện 84 tuổi, thường tổ chức bữa trưa cho gia đình vào ngày đầu tiên năm mới. Người độc thân sẽ đến sớm để giúp bà dọn dẹp. Trong những năm qua, Bill bất mãn vì anh trai, chị dâu và ba đứa con của họ, hiện đều đã ngoài 20, vẫn ngồi trên ghế sofa, trò chuyện hoặc lướt điện thoại, không nhấc tay phụ việc.
"Thực sự tôi cảm thấy mình như một cô hầu gái. Tôi cũng là một trong những thành viên lớn tuổi nhất trong gia đình và các con của anh trai tôi đáng ra phải giúp đỡ chứ không phải tôi, nhất là khi bọn trẻ đã đủ lớn", Bill nói.
Điều khiến anh thất vọng là vợ chồng anh trai không dạy con phải giúp đỡ chú và bà. Nhân một bữa đoàn viên, anh đã nói thẳng: "Ở đây không có người giúp việc. Chúng ta nên giúp đỡ nhau".
Chị dâu lập tức bước lên. Kể từ đó, bữa trưa đầu năm được tổ chức tại nhà của anh và nhà anh trai. Bill không biết sự thay đổi này do phản ứng của anh hay do họ nhận ra mẹ đã quá già để tự mình chuẩn bị một bữa tiệc.
Giờ đây, anh hy vọng có thể giao tiếp tốt hơn với các cháu nhưng những cuộc gặp gỡ không thường xuyên của họ thường dẫn đến những cuộc trò chuyện ngắn ngủi, rời rạc. Anh khuyến khích họ thỉnh thoảng gọi điện hoặc đến thăm bà ngoại.
"Tôi cố gắng trò chuyện vào các dịp gặp nhau. Tôi hy vọng đến một ngày nào đó sẽ có mối quan hệ nồng ấm hơn với các cháu. Suy cho cùng chúng tôi vẫn là gia đình mà", anh nói.
Để cải thiện chất lượng tương tác và giảm bớt căng thẳng trong lễ hội, chuyên gia trị liệu Lek cho biết các thành viên trong gia đình nên bắt đầu bằng việc nhận thức được cách họ giao tiếp. Ví dụ, thế hệ lớn tuổi thường muốn giao tiếp với những người trẻ hơn nhưng không biết cách thực hiện. "Đừng hỏi họ những câu rất riêng tư, như 'Tại sao tăng cân?' hoặc 'Tại sao bạn vẫn chưa có con?'", Lek nói.
Cô khuyên nên đặt câu hỏi thiện chí, để hiểu nhau, hơn là đặt kỳ vọng. Ngược lại, những người trẻ tuổi có thể điều chỉnh lại quan điểm của mình bằng cách xem những nỗ lực trò chuyện như vậy xuất phát từ mong muốn kết nối, thay vì phán xét.
Chuyên gia Haikal nói một cách khác có thể xoa dịu căng thẳng trong gia đình là giữ vững nhận thức và giá trị bản thân.
"Chúng ta đang sống trong một xã hội tập thể, nơi cách người khác nhìn nhận mình là điều quan trọng. Nhưng quan điểm của tôi về bản thân quan trọng hơn", Haikal nói.
Chẳng hạn như đừng lo lắng khi bị so sánh công việc với người anh họ, như vậy sẽ giúp bạn vui vẻ, tự chủ hơn. Hơn nữa đừng để mất vui chỉ vì một bà cô hay soi mói, một ông chú suốt ngày khoe khoang. Còn rất nhiều người khác trong dịp đoàn viên yêu thương, quan tâm bạn.
Cuối cùng, cần hiểu lý do chính để bạn ăn mừng Tết Nguyên Đán là để kết nối lại với những người mà bình thường không có cơ hội dành nhiều thời gian.
Bảo Nhiên (Theo Straitstimes)