Sò điệp sống ở độ sâu khoảng 10 m dưới biển hoặc trong các rạn đá. Chúng thường sống hợp lại thành vùng, nơi có dòng hải lưu chậm, tập trung nhiều ở Hòn Rơm và các rạn của tỉnh Bình Thuận.
Sò điệp có mùi thơm đặc trưng, thịt ngọt thường được dùng làm món khai vị. Hương vị sò điệp hấp dẫn, ngon miệng thích hợp cho món Âu lẫn Việt.
Gỏi sò điệp hoa mai
Nguyên liệu:
- Sò điệp: 500 g
- Cà rốt: 100 g
- Dưa leo: 200 g
- Hành tây: 50 g
- Gừng: 30 g
- Xà lách: 100 g
- Ớt cắt sợi: 1 muỗng xúp
- Húng quế: 10 g
- Gia vị: Muối, tiêu, dầu, nước mắm, đường, nước chanh, tỏi ớt băm, đậu phộng rang, hành phi.
Cách làm:
Sò điệp chọn con to, tách lấy cồi. Cà rốt, dưa leo cắt cỡ đầu đũa. Ướp ít đường, ép ráo nước. Hành tây cắt mỏng. Húng quế rửa sạch, cắt nhỏ. Cồi sò điệp ướp với tỏi băm, nước cốt chanh, muối, tiêu, đem áp chảo cho chín, vàng mặt.
Nước trộn gỏi: 2 muỗng xúp đường, ½ muỗng cà phê muối, 3 muỗng xúp nước chanh, 2 muỗng xúp nước mắm.
Trộn cồi sò điệp với rau củ và nước trộn gỏi, bày trên 5 miếng vỏ sò điệp xoay tròn hình hoa mai. Thêm rau húng quế, đậu phộng rang, hành phi.
Sò điệp nướng mật ong
Nguyên liệu:
- Sò điệp: 200 g
- Khoai tây nghiền: 100 g
- Cà chua bi: 100 g
- Hành tây: 50 g
- Tỏi băm: 10 g
- Xà lách một ít
- Gia vị: Muối, tiêu, mật ong, dầu ôliu, bơ.
Cách làm:
Sò điệp chọn con to, tách lấy cồi, ướp với chút muối, tiêu và 1 muỗng cà phê mật ong, 1 muỗng cà phê dầu ôliu. Nướng sò điệp vàng đều hai mặt. Phi tỏi với 1 muỗng cà phê bơ, cho cà chua, hành tây băm nhỏ vào xào.
Khoai tây nấu chín nghiền mịn với chút muối. Múc khoai tây ra đĩa thành từng phần tròn cỡ miếng cồi sò điệp, cho cà chua, hành tây xào lên, đặt sò điệp lên, trang trí thêm xà lách. Sò điệp nướng ăn với muối tiêu chanh.
Lưu ý:
- Sò điệp dễ chín nên khi áp chảo hay nướng canh vừa vàng sém mặt là được, vì để chín lâu thịt sò sẽ dai, ăn không ngon.
- Vỏ sò dùng làm đế đựng món gỏi nên trụng trong nước sôi có muối, và gừng đập dập, như vậy sẽ không tanh khi để lâu.
Ngọc Tú