Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số điểm 10 này chỉ tính ở các môn Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và Tiếng Anh, không bao gồm điểm thi ở các môn Ngoại ngữ khác như tiếng Nga, Pháp, Trung, Đức Nhật.
Xét theo tỉnh thành, Hà Nội có nhiều điểm 10 nhất, kế đến là Phú Thọ, đều hơn 400 bài thi. Không địa phương nào là không có thí sinh đạt mức tuyệt đối. Một số nơi có ít điểm 10 nhất là Kon Tum (5 điểm 10), Hà Giang (9), Quảng Ngãi (9), Ninh Thuận (10), Lai Châu (13), Đăk Nông (15).
Dù có "mưa điểm 10", các trường đại học vẫn cho rằng sự phân hóa thí sinh rõ ràng và không gây nhiều khó khăn cho công tác tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Nguyên nhân là bài thi đạt điểm tuyệt đối chủ yếu ở Giáo dục công dân (4.163 bài đạt 10), môn ít xuất hiện trong tổ hợp xét tuyển. Không có nhiều thí sinh đạt điểm ba môn theo tổ hợp từ 28 trở lên, đặc biệt không em nào đạt tuyệt đối 30 điểm ở một tổ hợp xét tuyển.
Nhìn ngược 6 năm về trước, số lượng điểm 10 biến động mạnh. Dưới đây là bảng so sánh số điểm 10 ở 9 môn thi (không bao gồm các môn Ngoại ngữ khác Tiếng Anh) trong sáu năm qua, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Năm 2015, lần đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia (còn gọi là thi hai trong một) được tổ chức vừa lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa cung cấp dữ liệu để làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng. Trước đó mỗi năm có kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi đại học ba chung (chung đề, chung đợt và chung kết quả).
Thí sinh thi 8 môn gồm: Toán, Văn, Sử, Địa, Lý, Hóa, Sinh và Ngoại ngữ. Trong đó, Toán, Văn, Sử, Địa thi theo hình thức tự luận, còn lại thi trắc nghiệm. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi bốn môn gồm ba môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn trong các môn thi còn lại.
Năm đó, hơn một triệu thí sinh đăng ký dự thi, trong đó 279.000 em thi chỉ để xét tốt nghiệp, còn lại thi với hai mục đích tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng. Kết thúc kỳ thi, có 406 bài thi đạt điểm 10 ở 8 môn. Hóa học có nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối nhất - 30 em. Ngữ văn không có điểm 10 nào.
Năm 2016, kỳ thi "hai trong một" được tổ chức tương tự năm 2015. Với gần 900.000 thí sinh dự thi, số điểm 10 giảm còn 67, chỉ bằng 1/6 của năm 2015 do đề được đánh giá khó hơn. Tính theo từng môn, không môn nào có quá 15 điểm 10. Đây cũng là năm duy nhất trong 6 năm trở lại đây, số lượng điểm tuyệt đối chỉ dừng lại ở con số hàng chục.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 có sự thay đổi lớn về môn thi. Thay vì chỉ thi 8 môn như hai năm trước đó, thí sinh làm 5 bài thi, gồm ba bài độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và hai bài tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân). Ngoài Ngữ văn thi tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm.
Số lượng môn thi và hình thức ra đề thay đổi đã tạo ra "cơn mưa điểm 10" gây xôn xao một thời gian dài. Chỉ cộng số điểm 10 của 5 địa phương là TP HCM, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Phú Thọ, con số đã lên tới 999.
Tính trên toàn quốc với hơn 860.000 thí sinh, số điểm tuyệt đối lên tới 4.235. Riêng môn Hóa là 1.521. Đây cũng là lần đầu tiên trong kỳ thi THPT quốc gia, có thí sinh đạt 10 điểm môn Ngữ văn. Và ngay cả khi trừ đi môn Giáo dục công dân để so sánh không bị khập khiễng với các năm trước, số điểm 10 của 8 môn còn lại cũng khiến nhiều người bất ngờ.
Năm 2018, gần 926.000 thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Trước những lo ngại về "mưa điểm 10" như năm 2017 sẽ gây khó khăn trong khâu xét tuyển vào đại học, cao đẳng, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định sẽ cân đối từng đề thi, đảm bảo sự phân hóa. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định trước kỳ thi "việc đạt điểm 9-10 sẽ khó khăn hơn".
Đề thi năm 2018 được đưa ra với độ khó hơn hẳn năm 2017 và tính phân hóa cũng cao hơn. Kết quả chỉ 447 bài thi được 10 điểm. Trong đó, Giáo dục công dân - môn thi ít được sử dụng để xét tuyển đại học chiếm tới 309 điểm 10. Cũng chính nhờ đề thi khó hơn, số lượng điểm giỏi giảm, việc gian lận thi cử với hàng trăm bài thi được nâng điểm ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình bị phát hiện.
Năm 2019, đề thi được đánh giá giảm mức độ khó so với năm trước nên số lượng điểm 10 lại tăng lên gần gấp ba. Trong 1.270 bài thi đạt điểm tuyệt đối, môn Giáo dục công dân tiếp tục chiếm đa số, tiếp đến là tiếng Anh. Điều này tương tự như hai năm trước đó.
Đến năm 2020, kỳ thi THPT quốc gia được đổi tên thành thi tốt nghiệp THPT, với mục đích xét tốt nghiệp và là một trong những cơ sở để xét tuyển đại học, đề thi vì thế dễ hơn. Kỳ thi chia làm hai đợt do ảnh hưởng của Covid-19, đợt một ngày 9-10/8, hơn 880.000 thí sinh tham dự.
"Mưa điểm 10" một lần nữa xuất hiện, cao nhất trong 6 năm trở lại đây, từ khi bắt đầu có kỳ thi "hai trong một". Ngữ văn, môn tự luận duy nhất, có hai điểm tuyệt đối sau hai năm không ghi nhận bài thi nào.
Số lượng điểm 10 năm nay vẫn có thể tăng do còn hơn 26.000 thí sinh sẽ thi đợt hai vào ngày 3-4/9. Những em này chưa tham gia kỳ thi đợt một do ảnh hưởng của Covid-19, tập trung ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Đăk Lăk. Trong đó, Đà Nẵng, thành phố trực thuộc trung ương, học sinh có điều kiện học tập tốt, thường có nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối.