UBND TP HCM đã quyết định hỗ trợ 5 tỷ đồng cho Sở Y tế để mua sắm thiết bị, thuốc men chống cúm. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng được cấp bổ sung 3 tỷ đồng phục vụ công tác xử lý, tiêu hủy gia cầm trong thành phố. |
Tiến sĩ Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết vẫn chưa có cơ sở chính xác để xác định hình thức lan truyền virus cúm gà từ vùng này sang vùng khác, từ gia cầm sang gia súc. Trên thực tế đã có một số loại gia cầm như vịt, cút, bồ câu... bị chết do cúm nên cần phải kiên quyết ngăn chặn các nguy cơ lan truyền dịch. Biện pháp cấp bách mà TP HCM áp dụng sẽ chấm dứt toàn bộ việc bán chim trời cho người dân phóng sinh diễn ra hàng ngày ở các chùa, đền.
Tình hình dịch cúm type A ở TP HCM đang diễn biến phức tạp. Ngày 26/1, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận thêm 3 bệnh nhân cúm có tiếp xúc trực tiếp với gia cầm và ăn thịt gia cầm. Trong đó, một bệnh nhân nữ 16 tuổi, ngụ tại Vĩnh Châu - Sóc Trăng, vào viện trong tình trạng viêm phổi nặng, tiến triển xấu, phải sử dụng máy thở. Cô này ăn thịt gà nhà nuôi đã chết dịch. 2 trường hợp còn lại là cán bộ thú y quận Tân Bình và một cháu trai 4 tuổi. Tình trạng của 2 bệnh nhân này ổn định, và đang chờ kết quả xét nghiệm.Đến hôm nay, TP HCM đã tiêu hủy được khoảng 1,4 triệu con gà (77% tổng số gà nuôi), 400.000 con vịt. Trong đó người dân tự nguyện đăng ký tiêu hủy gần 1 triệu gia cầm, hầu hết là gà. Việc xử lý gà trong vùng dịch đang được tiến hành mạnh mẽ, nhưng những người thường xuyên tiếp xúc với gia cầm như cán bộ thú y, nhân viên môi trường chưa được trang bị đủ phương tiện bảo hộ. Giáo sư Kim Tiến, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM cho rằng cần phải tiêm vacxin chữa cúm thường cho đối tượng này để ngăn ngừa khả năng virus cúm thường kết hợp với virus cúm gà tạo ra những chủng mới nguy hiểm. Bà Tiến đề nghị mở rộng phạm vi khử trùng sang khu vực quanh chuồng trại.
Thế Tài