Chia sẻ lý do xây dựng mô hình "Chợ trực uyến", đại diện Sở Công thương TP HCM cho biết, trong giai đoạn dịch bùng phát tại địa bàn TP HCM, chợ truyền thống bị đóng cửa, khiến việc buôn bán của tiểu thương gặp khó khăn, ảnh hưởng thu nhập. Người dân cũng gặp trở ngại trong việc mua sắm lương thực nhu yếu phẩm trong giai đoạn cách ly. Thấu hiểu được tình hình đó, "Chợ trực tuyến" ra đời, trở thànhcầu nối gắn kết tiểu thương, người dân, giúp việc cung ứng nhu yếu phẩm trở nên dễ dàng hơn trong thời điểm dịch bệnh.
Theo đó, với mô hình này, tiểu thương chợ truyền thống sẽ được hỗ trợ mở gian hàng trên ứng dụng Utop để tiếp cận với hình thức bán hàng công nghệ 4.0. Người dân ở nhà muốn đi chợ trực tuyến, sử dụng ứng dụng Utop, chọn chợ gần nhà để mua. Người tiêu dùng có thể tìm thấy những sạp hàng quen thuộc, những mối hàng quen thuộc giống như mình đang đi chợ thực tế trên Utop. Sau khi chọn hàng xong, hàng sẽ được xử lý và giao tận nhà.
Nhân viên vận hành của Utop tại chợ sẽ tiếp nhận đơn hàng từ người dân, kiểm tra chất lượng mặt hàng nhận từ tiểu thương, giao hàng cho khách.
Với mong muốn đáp ứng nhiều nhu cầu tiêu dùng thực phẩm khác nhau của người dân, chợ trực tuyến cung cấp nhiều mặt hàng từ thịt cá tươi sống; rau củ, trái cây đến các mặt hàng đồ khô như bún miến, gia vị và hàng tiêu dùng như dầu gội, bàn chải...
Để đảm bào chất lượng hàng hóa đến tay người tiêu dùng, nhân viên Utop luôn trực tiếp kiểm tra về số lượng, chất lượng của sản phẩm. Mặt hàng không đạt yêu cầu về chất lượng sẽ được trả về cho tiểu thương. Do đó, chất lượng sản phẩm đến tay người dùng luôn đảm bảo ở mức tối đa.
Đại dịch đang làm thay đổi thói quen mua sắm, khiến người dùng phụ thuộc nhiều hơn vào các dịch vụ trực tuyến. Theo dữ liệu của Grab, khi TP HCM bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, từ ngày 9/7 đến 22/7, tổng số lượng đơn hàng GrabMart tăng trưởng 3 con số.
Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều người đổ ra chợ, siêu thị mua hàng thiết yếu, tươi sống trong bình thường mới. Tuy nhiên, số khác vẫn chọn đi chợ online vì e ngại dịch bệnh.
Theo báo cáo Thương mại điện tử quý II do iPrice công bố, bách hóa trực tuyến là ngành hàng duy nhất duy trì sự tăng trưởng vững chắc và xuyên suốt từ đầu mùa dịch. Lượt tìm kiếm trên Google liên quan đến từ khóa cửa hàng tạp hóa trực tuyến tăng 223% trong quý vừa qua. Số lượt tìm kiếm tăng 11 lần trong tháng 7 so với tháng 5 và 3,6 lần so với tháng 6, khi lệnh giãn cách xã hội được triển khai tại một số tỉnh, thành phố.
Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế, thói quen người tiêu dùng. Với mô hình chợ trực tuyến, người tiêu dùng tích cực mua sắm với chiếc điện thoại thông minh, giảm rủi ro tiếp xúc nơi công cộng, hạn chế khả năng lây nhiễm.
Lê Nguyễn
Ảnh: Utop