Đây là kết luận từ nghiên cứu về giấc ngủ do tiến sĩ Samantha Kenny và phó giáo sư Marie-Helene Pennestri thuộc Đại học McGill (Canada) thực hiện với sự tham gia của 54 cặp vợ chồng và 3 bà mẹ đơn thân.
Những bà mẹ có một con cho biết họ có giấc ngủ ít bị gián đoạn và chất lượng hơn so với những bà mẹ có nhiều con, mặc dù tổng thời gian ngủ không khác nhau. Tuy nhiên, không có sự khác biệt nào được ghi nhận ở những người cha.
Một nghiên cứu được thực hiện năm 2019 dựa trên việc theo dõi giấc ngủ của hàng nghìn đàn ông và phụ nữ cho thấy, tình trạng mất ngủ xảy ra nhiều nhất ở khoảng ba tháng đầu sau khi đứa trẻ chào đời, và người mẹ là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Tiến sĩ Sakari Lemola - đồng tác giả của nghiên cứu từ Đại học Warwick (Anh) cho biết, kể cả khi trẻ lớn lên, giấc ngủ của cha mẹ được cải thiện nhưng cũng sẽ không thể nào như thời độc thân được nữa.
Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu tập trung vào câu trả lời của hơn 2.500 phụ nữ và gần 2.200 nam giới có con đầu lòng, con thứ hai, thứ ba. Những người tham gia được yêu cầu đánh giá chất lượng giấc ngủ của họ trên thang điểm từ 0 đến 10. Họ cũng được hỏi về số giờ ngủ trong ngày trong tuần và ngày cuối tuần bình thường.
Kết quả nghiên cứu cho thấy phụ nữ có sự suy giảm rõ rệt mức độ hài lòng về giấc ngủ: Các bà mẹ mất khoảng 40 phút ngủ mỗi đêm trong năm đầu sau khi sinh con, so với mức trước khi mang thai. Thậm chí, ba tháng đầu tiên sau khi sinh đứa con đầu lòng, phụ nữ mất hơn một giờ ngủ, so với trước khi mang thai. Trong khi đó, với các ông bố, con số này chỉ là 13 phút.
Theo các nhà nghiên cứu, lý do của điều này xuất phát từ sự phân bổ chưa công bằng giữa các nhiệm vụ chăm sóc trẻ ngày và đêm của bố và mẹ. Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho rằng nên có sự điều chỉnh thời gian chăm trẻ cho phù hợp với từng thành viên trong gia đình, tùy thuộc vào tình trạng của mỗi người.
Trong giai đoạn tiếp theo, các nhà nghiên cứu sẽ đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Vì sao các bà mẹ có nhiều hơn một con lại có chất lượng giấc ngủ kém đi cũng như vì sao các ông bố lại không mấy ảnh hưởng.
Thùy Linh (Theo Neurosciencenews)