Rằm tháng bảy, năm 1953, chùa Tổ đình Bác Ái ở TP Kon Tum tổ chức cúng Vu Lan, cầu siêu báo hiếu. Điều đặc biệt nhất trong đại lễ năm đó, các phật tử đã soạn bản sớ dài 12 m, ghi chép họ, tên, gia phả những người đã khuất ở Kon Tum, với gần 5.000 chữ, được đóng "Ấn sắc Tứ Bác Ái" vua Bảo Đại ban.
Mở đầu sớ cầu siêu viết: "Nay nhờ nước Việt Nam, tỉnh Kon Tum, chùa Sắc tứ Bác Ái dưng hương hiến cúng, rằm tháng bảy hiến cúng, tiếp cứu chư linh, cầu siêu báo hiếu. Nay, bản tự cùng tất cả thập phương thiện nam, tín nữ lớn nhỏ, bày lễ kính cúng vàng bạc, đồ chay, phẩm vật... ", ông Lê Đình Hùng, nghiên cứu viên, Phân viện Văn Hoá Nghệ Thuật Quốc Gia Việt Nam tại Huế, dịch.
Tiếp đến là danh sách họ tên, gia phả những người đã khuất ở Kon Tum. Cuối bản điệp (sớ) ghi "lưu giữ tại chùa Tổ đình Bác Ái, hội Vu Lan, lấy làm Tự Phổ thờ cúng, để các linh hồn thoát khỏi khổ nạn".
Ông Hùng cho biết, sớ dài hay ngắn tùy thuộc vào lượng người đăng ký cầu siêu, và họ thường đốt trong đại lễ, một số nơi còn giữ lại thờ cúng. Tuy nhiên chùa Tổ đình Bác Ái lưu sớ cầu siêu làm Tự Phổ - những phật tử đầu tiên trên đất Tây Nguyên, đó là một điểm khá đặc biệt so với những ngôi chùa khác.
Hòa thương Thích Chánh Quang, trụ trì đời thứ 4 chùa kể, năm 1931 các tỉnh Trung Trung Bộ bị hạn hán liên tiếp gây nên nạn mất mùa thực phẩm khô cạn. Do đó, đồng bào các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi đổ xô lên Kon Tum kiếm sống.
Hơn 70% người di cư đã chết đói dọc đường, số còn lại đến được miền đất hứa, phá rừng làm nương, rẫy, song điều họ không lường trước nạn thú dữ, sốt rét chết vô số, dân tình hoang mang, hoảng sợ. Đêm đêm tại vùng đất này xảy ra nhiều hiện tượng rùng rợn khó tả.
Năm 1933, sau khi lên nhậm chức Quản đạo tỉnh Kon Tum, ông Võ Chuẩn (sinh năm 1896, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã lập "Âm linh miếu" để thờ những nạn nhân xấu số ở nghĩa địa phía Bắc TP Kon Tum. Hòa thượng ở Bình Định được mời cử hành đại lễ đặt khai sơn chùa Bác Ái - vị trí chùa Tổ đình Bác Ái bây giờ.
Như vậy, chùa Tổ đình Bác Ái là nơi đánh dấu sự có mặt cơ sở Phật giáo đầu tiên tại tỉnh Kon Tum, thuộc dòng Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh.
Trong lịch sử, chùa Tổ đình Bác Ái được vua cuối cùng của triều Nguyễn – Bảo Đại ngự giá ban sắc và tặng biển ngạch "Sắc Tứ Bác Ái Tự" vào năm 1933.
Theo anh Phạm Bình Vương, cán bộ nghiên cứu văn hóa ở Kon Tum, chùa Tổ đình Bác Ái là công trình tôn giáo tín ngưỡng mang phong cách, kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn, mô phỏng kiến trúc dân gian Huế và được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2009.
Ngoài giá trị kiến trúc, chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như tượng Tam Tòa Thánh Mẫu, tượng Quan Âm bằng gốm men rạn, bức hoành phi, câu đối, hộp sắc phong, bửu ấn, sớ cầu siêu... "góp phần làm phong phú các giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật mà cộng đồng các dân tộc tỉnh Kon Tum đã tạo dựng".
Trần Hóa